ĐƯỢC VÀ MẤT

37
ĐƯỢC VÀ MẤT
 
Khổ thân bà xã tôi, sáng nay cuốc bộ đi mấy ngân hàng để coi ngân hàng nào đưa ra chào mời lãi suất tiền gởi cao nhất để bà kiếm thêm chút đỉnh trong cái số mấy trăm triệu tiền tiết kiệm.
 
Trước khi đi tôi đã tâm sự với bả, rằng thì là “được và mất” luôn song hành với nhau, phải hiểu là cái ngân hàng mà đưa ra mức lãi suất cao, có thể là ngân hàng đó hoạt động kém hiệu quả nên đang muốn thu hút tiền gởi của dân chúng, và ngược lại với những ngân hàng luôn giữ mức lãi suất ổn định.
 
May là bà xã nhà tôi hiểu ra vấn đề nên tuy không ĐƯỢC nhiều tiền song không lo MẤT ngủ. Tôi khẽ hát ru với bả, “ngủ ngoan a-kay ơi!” (lời một bài hát ru của dân tộc Tà-ôi).
 
Trong cuộc sống hàng ngày cũng chẳng thiếu gì câu chuyện được/mất. Chẳng ai chỉ toàn được và cũng chẳng ai chỉ toàn mất. Đó là triết lý nhà Phật.
 
Trong chương trình “Black Experience Japan” (BEJ), một cô gái da nâu, trài qua một hành trình dài từ Hawaii, một hòn đảo ở Thái Bình dương đến các nước Nam Á, đi đâu mẹ con cô cũng chỉ ở được vài ba tuần, cuối cùng cô gặp một cô gái Campuchia, cô ấy nói với cô rằng, hãy đến Việt Nam, đó là nơi dễ sống và dễ tìm việc làm. Vậy là cô dừng chân ở thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam và quyết định sẽ định cư và làm việc ở đây lâu dài. Người dẫn chương trình (cũng là một thanh niên da đen) hỏi cơ sở nào cho quyết định đó, do đã cân nhắc từ lâu nên cô đáp ngay, “vì ở Việt Nam có tự do, thật sự tự do!”.
 
Vâng, nếu mẹ con cô chọn tự do là tiêu chí đầu tiên. Đó là cái “được” mà cô đã tìm thấy. Vậy còn “cái mất” của cô là gì? Phải chăng đó là mẹ con cô phải sống xa tổ quốc và đồng bào của cô? Xa những buổi hội hè vui vẻ của dân tộc cô? Xa tiếng đàn guitar Hạ-uy-di (Hawaiian) réo rắt? Chắc chắn một điều, cô đã đặt lên bàn cân cho hai sự lựa chọn đó, và cái cô chọn là phần có sức nặng lớn hơn.
 
Trong bất cứ xã hội nào cũng thế, bất cứ đời sống của con người đều thế, đều bắt chúng ta đặt lên bàn cân coi được mất ra sao để chọn lựa. Song đôi khi, tưởng như nghịch lý – chúng ta chọn “cái mất” để có “cái được” lớn hơn mà cái “được” đó lại không phải cho bản thân mình hay gia đình mình mà cho cả dân tộc mình. Đó là những người đã dám đánh đổi sinh mạng mình để đạt được một sự nghiệp lớn lao hơn cho đất nước. Đó là những người “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Họ thật là vĩ đại!
 
Có những cái được mà chúng ta đang hưởng thụ nó đến một cách tự nhiên như không khí, như mùi hương của một bông hoa, như vị ngọt của một trái cây… Tự nhiên đến mức ta không còn để ý đến nó. Cái mà ít ai để ý đến, đó là đức tính tốt đẹp vốn có của nhân dân ta, dân tộc ta. Chúng ta hưởng thụ nó tự nhiên như ta hít thở khí trời vậy.
 
Trong cuốn sách “Đế quốc An Nam – Người dân An Nam” của Jules Silvestre, một tập hợp các bài báo của tác giả trong hai năm 1875-1876, ông đã có những nhận xét về người An Nam, là “Người dân tốt bụng và dịu dàng, nói chung không vụ lợi; Người An Nam tốt và đầm tính, trí tuệ và biết cách vận dụng nó, họ nhân ái và rộng lượng…”. Ông còn viết nhiều lời có cánh đối với dân tộc ta, song tôi chỉ xin trích có vậy. Có lẽ cô bạn đến từ Hawaii trong Thái Bình dương đã nhận ra điều này – đó là “cái được” mà lâu nay cô đang tìm kiếm?
 
Ngày 15/8/2020
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.