MỘT THỜI AO TÙ, MỘT THỜI BIỂN LỚN

45 năm
MỘT THỜI AO TÙ, MỘT THỜI BIỂN LỚN
 
Ngày 1 tết dương năm 2021 này tôi có đọc được một bài nói về thế sự. Trong đó có câu, những năm tháng trước đây như một cái ao tù. Lấy cảm hứng từ câu nói đó để tôi viết bài này theo ý kiến của một người bạn trên facebook.
 
Trong bài “Trò chơi trên cát” tôi đã phân biệt sự khác nhau giữa kinh tế thị trường thuần túy và kinh tế thị trường định hước XHCN rồi, xin không nhắc lại nữa.
 
Tóm tắt sự khác nhau về hai nền kinh tế nói rên như sau:
 
Nền kinh tế thị trường thuần túy hay ta còn gọi là kinh tế tư bản chủ nghĩa là một nền kinh tế do các tập đoàn tư bản làm chủ, chi phối và lũng đoạn. Một khi họ có tiền thì họ có quyền chiếm đoạt, ngày xưa thì chiếm đoạt đất đai nước khác, chiếm hữu nô lệ; ngày nay thì chiếm đoạt tài nguyên cả ở trong nước và nước ngoài.
 
Còn nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng vận hành theo cơ chế thị trường có cạnh tranh. Đây là sự sáng tạo của Việt Nam, không có một nước XHCN nào từng áp dụng. Điều quan trọng trong đó là tất cả tài nguyên quốc gia (trên đất, dưới đất, trên biển, dưới biển…) là sở hữu toàn dân, nhà nước chỉ thay mặt dân để quản lý, không cho bất kỳ cá nhân nào được sở hữu, chiếm đoạt.
 
Trên đây là so sánh sơ qua về cơ chế thị trường giữa hai xã hội – xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội XHCN.
 
Bây giờ xin nói về những gì mà Việt Nam chúng ta đã đạt được.
Cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ xâm lược đã giành chiến thắng, đạt được mục tiêu mà những người sáng lập ra đảng Cộng sản đề ra vào năm 1930.
 
Thời kỳ chiến tranh là thời kỳ mà chúng ta xây dựng một nền kinh tế kế hoạch tập trung. Từ cái kim sợi chỉ đến mớ rau con cá đều do nhà nước điều tiết. Ủy ban Kế hoạch nhà nước cứ lấy dân số của miền bắc (vì miền nam vẫn còn dưới chế độ Mỹ ngụy) nhân với nhu cầu tối thiểu (thí dụ 5 mét vải/người/năm) để định ra kế hoạch sản xuất. Những gì ta chưa làm ra được thì đi xin viện trợ. Cứ đến gần cuối năm mà thấy cụ Lê Thanh Nghị (khi ấy là Phó Thủ tướng) lên đường xuất ngoại là biết mục đích của chuyến đi rồi.
 
Thời kỳ đó đúng như ai đó nói, là một thời kỳ ta chỉ vùng vẫy trong cái ao tù. Những con cá trong ao, có thứ gì ăn thứ ấy, chẳng còn biết thế giới bên ngoài là gì, họ gồm những ai, họ đã làm gì? Cá trong ao bao giờ cũng nhỏ hơn rất nhiều cá sống ngoài biển.
 
Cái ao ấy được mở rộng xuống đến miền tận cùng của đất nước – “mũi tàu ta đó, mũi Cà Mau” vào năm 1975. Vì trải qua 30 năm sống trong ao tù, đã tạo ra nếp nghĩ và thói quen, mọi thứ trông vào sự bao cấp của nhà nước. Người dân miền nam trong thời kỳ 1955-1975 quen với viện trợ Mỹ, mà họ viện trợ cho những gì? – vũ khí và các phương tiện chiến tranh, hàng tiêu dùng chứ sản xuất thì vẫn èo uột. Công nghiệp chế tạo hầu như không có. Ấy là chưa kể số viện trợ ấy chạy ra chợ đen cũng nhiều và thậm chí còn chạy cả vào vùng giải phóng cung cấp cho “VC” nữa.
 
Nói sơ qua thế vậy để thấy rằng, đời sống dân miền nam tuy có khá hơn dân miền bắc, song nó giống như một cái tủ kính trưng bày hàng, gợi sự thèm khát về thế giới tư bản. Có thể nói tất cả đều phải nhập khẩu, miền nam không tự túc được gì đáng kể.
Ngoài ra, kinh tế miền nam phần lớn do người Hoa ở Chợ Lớn nắm giữ và chi phối.
 
Sau khi đất nước được thống nhất, sẵn có tác phong làm ăn hạn hẹp trong cái ao tù, nên thuở ban đầu ấy những người chiến thắng đã hình như không chấp nhận nền kinh tế thị trường, và họ đã tiến hành cải tạo công thương nghiệp. Thành công cũng có mà thất bại cũng có. Thành công là xóa bỏ được độc quyền của người Hoa song lại đụng chạm vào tầng lớp tiểu thương người Việt. Mặt khác, lập ra các vùng kinh tế mới đã không đem lại kết quả. Giai đoạn này ở miền nam đã có rất nhiều người bỏ nước ra đi.
 
Thế là, sau một thời gian vùng vẫy trong ao nhỏ thì bây giờ lại vùng vẫy trong cái ao lớn hơn. Những nhà lãnh đạo cấp tiến thấy cần thay đổi, công cuộc “đổi mới” năm 1986 ra đời, mà người khởi xướng là ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.
 
Nhưng đổi mới cũng chỉ khơi dậy được nguồn lực tại chỗ, làm cho đời sống người dân khá lên một chút chứ chẳng thể nghĩ sẽ nhanh chóng làm giàu. Cả nước chẳng có lấy một doanh nhân có vốn liếng tính bằng triệu đô. Bởi vì một số nước cũng chẳng để cho chúng ta tự do làm giàu. Họ gây cho chúng ta bao nhiêu oan nghiệt bằng sự cô lập, bao vây, cấm vận. Bạn bè cũ đã trở cờ, có nước còn hỗ trợ cho kẻ thù đánh lại chúng ta nữa. Đúng là tứ bề thọ địch.
 
Cho đến năm 1995, khi các bên thấy gây sức ép đối với Việt Nam thì dân Việt vẫn không chết. Thế là chính sách cô lập, bao vây, cấm vận kết hợp với các cuộc chiến nhỏ sau cuộc chiến lớn cũng đến hồi tàn. Buộc các nước phải nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, độc lập và thống nhất.
 
Bắt đầu từ đây chúng ta giương buồm đi ra biển lớn.
 
Không thể quay lại con đường mà chúng ta đã đi – con đường của nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp, phải đi tìm một lối đi mới, con đường chưa có nước nào trải qua.
 
Như vậy, với đường lối nói trên, chúng ta đã đóng một con thuyền đủ sức đương đầu với giông bão, đưa cả dân tộc ra biển lớn. Với phương châm “làm bạn với tất cả”, chúng ta giang tay ra với bè bạn. Khác với tình bạn bè trong những năm tháng chiến tranh, lúc bấy giờ bạn phải cưu mang ta. Một khi bạn cưu mang ta thì họ cũng có thể bỏ rơi ta khi họ gặp khó khăn. Nay làm bạn để hai bên gắn bó với nhau về lợi ích tương đồng. Một khi còn gắn với nhau về lợi ích của bạn, bạn không thể bỏ ta hoặc chống lại ta và ngược lại.
 
Chúng ta đạt thu nhập bình quân đầu người, trên GDP vào năm đầu thống nhất chỉ đạt chưa tới 100 USD, thì năm 2020 đã đạt 3.400 USD; còn nếu tính theo sức mua tương đương như IMF công bố, thì con số đó đã là trên 10.000 USD/người/năm. Các doanh nhân của nước ta thả sức thi thố tài năng để Việt Nam không còn là một cơ sở gia công của thế giới mà chúng ta đã có nhiều sản phẩm “made in Vietnam”. Đó là kinh tế thị trường.
 
Năm 2020, kết thúc sau 34 năm bắt đầu cuộc “đổi mới” và sau 25 năm kể từ khi các thế lực thù địch thất bại trong cuộc bao vây cấm vận, nước ta như đã lớn lên rất nhiều. Ngày nay chúng ta đã có một phần sáu (1/6) dân số thuộc tầng lớp trung lưu toàn cầu (theo Ngân hàng thế giới) và đã có những tỷ phú trong số những người giàu nhất trên thế giới. Song điều quan trọng là đoàn tàu vẫn chạy êm ả trên con đường sắt XHCN.
 
Nông thôn Việt Nam ngày nay cũng khác xưa nhiều rồi. Đã xuất hiện những tỷ phú là nông dân, và nông sản của Việt Nam đã có mặt trên nhiều thị trường quốc tế khó tính. 65% số xã toàn quốc đã đạt chuẩn nông thôn mới, mục tiêu năm 2021 sẽ đưa con số đó lên 80%. Nông thôn bây giờ đẹp lắm, người nông dân bây giờ cũng đang công nghiệp hóa phương thức canh tác chứ không còn cảnh con trâu cái cày như cách đây hai, ba chục năm.
 
Tôi đã kể chuyện cho các bạn nghe quá trình đi lên của đất nước, từ một nền kinh tế kế hoạch bao cấp, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta là vậy.
Vốn liếng của tôi đến đây đã hết rồi./.
 
Hình trong bài: (1) và (2) Đất nước trọn niềm vui
Ngày 21/1/2021
Ph. T. Kh.
Cờ VN 1

Add a Comment

Your email address will not be published.