MẤY CON SỐ BIẾT NÓI

Ảnh đẹp 65
MẤY CON SỐ BIẾT NÓI
 
Phải, chúng mình còn nghèo. Nhưng ai đã làm cho dân tộc mình bị nghèo khổ, lạc hậu? Người Pháp thì đem văn minh đến – nhiều người bảo thế. Có lẽ những người nói câu đó đã từng được ơn mưa móc của kẻ đô hộ. Còn lại 90% số dân là mù chữ. Người Mỹ cũng đem văn minh đến, nói chính xác là đem tiền đến để nuôi nguyên bộ máy chiến tranh, tất tần tật phải nhập khẩu, chẳng tự sản xuất được gì đáng kể, quân đội thì đánh thuê, kinh tế thì phụ thuộc.
 
Thôi, nói về cái chính quyền Sài gòn trước năm 75 thì bao giờ mới hết? Bây giờ ta nói về ta.
 
Hôm rồi nghe cơ quan thống kê đưa ra mấy con số để nói về sự phát triển và đời sống của dân nước mình, tùy còn thua nhiều nước phát triển, song mới trải qua trên ba mươi năm đổi mới, thì đó cũng đã là khá. Ba mươi năm so với đời người là dài, chứ so với một đất nước chỉ coi như một cái chớp mắt.
 
Cơ quan thống kê nói thế này:
 
Dân ta đã chuyển từ “ăn nó mặc ấm” sang “ăn ngon mặc đẹp”. Cụ thể là các hộ gia đình có xu hướng giảm dần mức tiêu thụ tinh bột, tăng dần mức tiêu thụ thịt cá, rượu bia. Năm 2010, trung bình mỗi cái miệng của chúng ta ngốn 9,7 kg chất bột/tháng xuống còn 8,1 kg vào năm 2018, đến năm 2020 còn 7,6 kg. Bạn cứ tưởng tượng gần 100 triệu dân, chỉ cần mỗi tháng giảm một kg thì một năm cũng giảm được khối, đương nhiên là số lượng gạo để xuất khẩu sẽ tăng lên.
 
Giảm chất bột không phải vì không cung ứng đủ lương thực cho dân, mà bà con mình lại tăng mức tiêu thụ thịt cá để bù vào. Vào năm 2018, cái miệng của mỗi chúng ta chỉ ngốn có 1,8 kg thịt/tháng thì đến năm 2020 đã tăng lên 2,3 kg. Thịt cá đương nhiên là đắt hơn gạo, thế có nghĩa là dân ta đã giàu lên.
 
Lại còn rượu bia nữa chứ. Các ông (có khi có cả các bà nữa) bây giờ lại hình thành thói quen uống rượu, bia trong các dịp lễ tết (mà chẳng cứ lễ tết đâu, vui buồn gì cũng uống). Thế là mức tiêu thụ rượu bia trung bình của mỗi người năm 2018 là 0,9 lít/tháng, đến năm 2020 là 1,3 lít. Những gia đình khá giả một chút thì nốc hết 2,4 lít/tháng.
 
Dân Việt Nam ta có câu “cái nhà là gia bản”, bất cứ người nào có tích lũy qua thu nhập thì việc đầu tiên là nghĩ đến là phải đầu tư vào một cái nhà cho mình “của mình”. Đọc con số sau đây tôi nghĩ nếu bạn không nức lòng thì bạn không phải là người Việt Nam. Đến năm 2020, cả nước ta có 95,6% hộ gia đình sống trong các ngôi nhà kiên cố.
 
Dân miền bắc và miền trung, năm nào cũng bị bão lũ hoành hành thì làm nhà kiên cố là đương nhiên rồi.
 
Tại sao chỉ là 95 phần trăm? Xin thưa, nếu bạn nào ở đồng bằng sông Cửu Long thì mới biết tính cách của người dân Nam bộ. Vì vùng đất này của tổ quốc rất ít khi xảy ra bão tố, nên người dân không coi trọng cái nhà. Dân ở đây coi trọng việc sau thời gian lao động là tụ tập say sưa, vui vẻ. Say rồi thì ngả xuống đâu cũng là nhà. Cho nên ở vùng này có chuyện hài là những con muỗi chích phải mấy ông con trời này cũng say, lăn ra vì hút phải men rượu!
 
Tôi cũng có một trải nghiệm về ngôi nhà tranh vách đất của nhà mình. Đó là nó bị Pháp đốt mấy lần. Pháp đốt nhà thì căm thôi, song ngày tôi học chuyên nghiệp, có cô bạn “có cảm tình” với tôi rồi cũng thu xếp về quê tôi chơi “cho biết”. Sau chuyến thăm ấy thì tôi bị “mất cảm tình” luôn vì cô ấy ở Hà Nội mà quê tôi thì toàn nhà tranh vách đất. Giả thử ở thời điểm tôi còn trẻ, lại sở hữu một căn biệt thự, và cả căn hộ chung cư như đang có, thì chắc “cảm tình” không bị mất đâu nhỉ?
 
Giảm mức chênh lệch giàu nghèo, giảm sự bất bình đẳng trong xã hội là mục tiêu chung của cả nước ta. Sự bất ổn trong xã hội có nguyên nhân từ sự bất bình đẳng và sự chênh lệch giàu nghèo quá mức ở các nước tư bản chủ nghĩa và các nước phát triển theo con đường đó.
 
Ở nước ta hiện nay, sự chênh lệch về chi tiêu giữa nhóm 1 (tức là nhóm nghèo nhất) với nhóm 5 (nhóm giàu nhất) khoảng 3,5 lần (con số năm 2020). Nếu gọi nhóm 1 là nhóm yếu thế trong xã hội, thì nhà nước đang làm cho nhóm này “không ai bị bỏ lại phía sau”, nhà nước ta có chính sách hỗ trợ như một trăm phần trăm các hộ người dân tộc thiểu số và các hộ nghèo khác đều có thẻ bảo hiểm y tế; được hỗ trợ về nhà ở… Hiện nay ở nước ta còn 20% là số hộ nghèo mức 1, song cũng có 20% là số hộ giàu ở mức 5.
 
Nhìn chung, thu nhập bình quân đầu người của nước ta trong giai đoạn 2016-2020 tăng 8,1%. Nếu không có dịch covid 19 thì mức thu nhập đầu người chắc khá hơn.
 
Việt Nam là nước duy nhất trong số những nước có thu nhập bình quân dưới 3.000 USD/năm không phải đi xin sự hỗ trợ của thế giới trong mùa dịch này. Không những vậy, chúng ta còn hỗ trợ cho những nước có dịch bệnh năng nề hơn nào tiền, nào máy thở, nào dụng cụ y tế. Đó là người nước ngoài nói về chúng ta, chứ không phải chúng ta tự sướng.
 
Nếu nước ta thuộc nhóm nước giàu thì không nói làm gì, nhưng chúng ta lại đi lên từ một nước nghèo lại bị chiến tranh tàn phá, vậy bạn là người Việt Nam, bạn có thể tự hào về điều đó không?./.
 
Hình trong bài: Nông thôn của ta ngày nay
Ngày 12/6/2021
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.