“TÔI YÊU TIẾNG NƯỚC TÔI”

Hoa sen 1
“TÔI YÊU TIẾNG NƯỚC TÔI”
 
Xin nói trước, tôi không phải là một nhà ngôn ngữ học nhưng tôi tự nhận mình là một người luôn có cái nhìn “động” trước mỗi sự việc. Vừa qua tôi có đọc được bài viết của một học giả viết về đề tài ngôn ngữ, với tiêu đề “Tôi yêu tiếng nước tôi”.
 
Tôi xin không nhắc lại nội dung bài viết đó vì tôi không đủ trình độ nhận thức và phê phán. Cho nên tôi chỉ xin nêu những suy nghĩ của cá nhân tôi.
 
Tôi xin khẳng định một điều, còn ngôn ngữ thì còn dân tộc, còn ngôn ngữ thì còn tổ quốc, còn nước. Nhưng ngôn ngữ không phải là một thứ “bất biến”.
 
So ngôn ngữ thời đại của nhà văn Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Du, Bà Đoàn Thị Điểm và Bùi Giáng vân vân thì ngôn ngữ ngày nay đã khác nhiều. Ngay thời ông Phạm Duy gần chúng ta nhất, mà tác giả bài viết cũng đã đề cập, thì so với ngày nay, tiếng Việt của ta đã trở nên trong sáng hơn. Thời của Phạm Duy gọi “đệ thất hạm đội” nhưng ngôn ngữ sau này gọi là “hạm đội bảy”, thời của Phạm Duy gọi “hỏa tiễn”, ngôn ngữ sau này gọi là “tên lửa”, thời của Phạn Duy gọi là “phi trường”, “phi đạo” ngôn ngữ sau này gọi là “sân bay”, “đường cất hạ cánh” và còn nhiều nữa.
 
Cho nên bảo tiếng Việt thời của Bùi Giáng của Phạm Duy đẹp hơn, trong sáng hơn thì chỉ là so sánh khiên cưỡng với một mục đích gì đấy (?).
 
Nhất là khi loài người bước vào thế kỷ 20, sang thế kỷ 21 sự biến động xã hội và những tiến bộ về khoa học kỹ thuật cũng làm biến động ngôn ngữ ở mọi quốc gia chứ không chỉ riêng quốc gia Việt Nam. Thời của Bùi Giáng trở về trước làm gì có e-mail, làm gì có internet, làm gì có facebook. Tôi nghĩ, ngay thời của Phạm Duy những thứ này cũng chưa phải là phổ biến. Chúng ta có thể nói “thư điện tử” thay cho e-mail, “mạng xã hội toàn cầu” thay cho internet, “mạng không dây” thay cho wifi, dùng “đường dẫn” thay cho link vân vân, song thời đại ngày nay ai cũng muốn nói nhanh, nói ngắn và ai cũng hiểu nên dùng những từ phổ cập trên toàn thế giới chứ không phải những người không dùng tiếng Việt này là không “yêu tiếng nước tôi”.
 
Tác giả bài viết quy kết cho những bài viết trên mạng, trên báo chí cho sự thất bại của một nền giáo dục. Nói vậy thì hơi quá. Trong các nhà trường, các thầy cô giáo dạy ngôn ngữ rất chỉn chu, đưa ra những bài văn, bài thơ đặc sắc bằng tiếng Việt, chứ các thầy cô ấy không dạy những bài văn, thơ trong đó có những từ của dân mạng xã hội, tỷ như “đú trend” (theo phongg trào), “rất pro” (rất chuyên nghiệp), “kol” thay vì nói “người dẫn giắt dư luận tiêu biểu”, “netizen” thay vì nói “cư dân mạng”, mới đây trong một hội nghị thấy ông thủ tướng nhà ta nói “app” chứ không nói “ứng dụng” mà cũng không nói “application” vân vân.
 
Ngôn ngữ cũng có những thể khác nhau. Ngôn ngữ trong các tác phẩm văn học phải thật chỉn chu trong cách dùng từ, trong văn phạm và ngữ pháp; ngược lại là ngôn ngữ báo chí, làm sao để thời lượng ít nhất mà truyền tải được nhiều thông tin nhất. Có lẽ vì như thế nên, cũng là dạy văn nhưng ở khoa sư phạm khác với khoa báo chí. Nếu chúng ta soạn một tin nhắn, một thư điện tử bao giờ cũng nghĩ đến việc làm sao ngắn nhất mà lại truyền đạt đầy đủ ý muốn của người viết. Còn nếu như ngày xưa, viết một bức thư cho người yêu, cho gia đình có thể trải rộng ra nhiều trang giấy. Thời đại nay đã khác nhiều rồi.
 
Những từ ngữ mà ta thấy trên mạng xã hội, đôi khi là theo yêu cầu của xã hội để truyền tải một thông điệp gì đó trong thời đại hòa nhập toàn cầu, chứ đừng quy kết là họ đã làm hỏng tiếng Việt.
Tiếng Việt trong các trường vẫn thế, trong các sách giáo khoa vẫn thế, trong các tác phẩm văn thơ vẫn thế, vẫn trong sáng lắm. Tiếng Việt mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. Tôi tin chắc thế./.
 
Ngày 22/9/2021
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.