CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN

Ghandi
CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN
 
Chỉ những người có tấm lòng cao cả, không nghĩ về mình mới có thể thực hiện chủ nghĩa tối giản. Từ ngày tôi biết, thì trên cõi đời này có hai vị, mà nếu có thể được thì ta gọi đó là các vị thánh. Đó là Mahatan Ghandi của Ấn độ và Hồ Chí Minh của chúng ta, suốt cuộc đời đã sống theo chủ nghĩa tối giản.
 
Ta hãy bỏ qua phương pháp đấu tranh của hai vị để giành độc lập cho dân tộc. Chả là Thánh Ghandi thì chủ trương bất bạo động, còn Hồ Chí Minh thì dùng súng để giành chính quyền. Do điều kiện và hoàn cảnh xã hội khác nhau, nên phương thức đấu tranh cũng khác nhau. Ta chẳng nên nói ai hay hơn ai. Cuối cùng cả Ấn độ và Việt Nam đều giành được độc lập và thống nhất.
 
Mahatma Ghandi, có câu nói nổi tiếng, “Chúng ta hãy trở thành những người được ủy thác của hành tinh này, (chứ) không phải là chủ nhân của nó”. Đó thực là phương châm sống và hành động của vị Thánh ấy. Một cuộc đời của con người thật giản dị, ông chưa bao giờ từ bỏ trang phục của dân tộc mình là cái áo khoác được người Ấn độ dệt bằng tay, loại vải có tên là “khadi”. Dạo còn làm luật sư ở Nam Phi, trong một phiên tòa mà Ghandi là luật sư bào chữa, quan tòa đã yêu cầu Ghandi không được đội chiếc mũ của dân tộc mình, ông đã bỏ ra ngoài chứ nhất định không cởi bỏ chiếc mũ đó.
 
Mahatma Ghandi là một người ăn chay trường, vì ông chỉ là người được hành tinh này ủy thác, chứ không phải là chủ của nó nên không thể cứ muốn là được. Đây là điều mà xã hội văn minh của chúng ta không làm được mà cứ muốn hành tinh phải cho chúng ta nhiều nhất có thể. Thế là môi trường của hành tinh bị phá hoại, hậu quả để lại cho loài người chúng ta nặng nề biết bao nhiêu mà kể.
 
Vì ăn chay trường nên ông một thân hình mảnh khảnh, có thể không được khỏe, có lần tôi nghe có ai đó nói rằng, Ghandi khuyên những người ăn chay nên uống thêm sữa. Đó cũng chỉ là lời đồn.
 
Mahatma Ghadi, đến năm 36 tuổi thì quyết tâm diệt dục. Sở dĩ như vậy là vì ông bị ảnh hưởng mạnh bởi khái niệm ‘sa. Brahmacarya’ (phạm hạnh) có mối liên hệ trực tiếp tới tu khổ hạnh (sa. Tapas) trong các tôn giáo Ấn độ. Tuy nhiên Ghandi cũng nói đây là một việc mà mọi người không nên làm theo.
 
Những tư tưởng và phẩm chất của Mahatma Ghandi thấy có phần nào thể hiện trong con người Hồ Chí Minh của chúng ta. Nếu Ghandi nói chúng ta được hành tinh ủy thác thì phải làm cho hành tinh của chúng ta sạch hơn, xanh hơn, đẹp hơn, thì Hồ Chí Minh cũng chủ trương “Mùa xuân là tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Chung quanh nơi Người ở là cây xanh, vườn rau, ao cá, như Nguyễn Du nói, “Phong sương đượm vẻ thiên nhiên”.
 
Hồ Chí Minh của chúng ta không ăn chay, nhưng chỉ ăn những món dân giã như tương với cà, tránh những món ăn nhiều đạm và Người không khuyến khích săn bắt thú rừng mặc dù Người cùng các đồng chí của minh sống nơi thâm sơn cùng cốc. Cuộc sống của Người luôn là:
 
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang
“Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng…”
 
Hồ Chí Minh không lấy vợ, không gia đình riêng. Tuy nhiên, cũng như Mahatma Ghandi, khuyên người ta không nên bắt chước. Người nói với thanh niên ta, rằng “các cháu có thể học Bác ở điều gì đó, riêng có hai điều các cháu không nên học – đó là hút thuốc và không lấy vợ”.
 
Năm nào tôi cũng thấy tổ chức học tập gương Hồ Chủ tịch, toàn bộ cuộc đời của Người gói gọn trong bốn chữ, “cần, kiệm, liêm, chính”. Vậy mà năm nào cũng học, song nhiều khi học với hành lại không đi đôi với nhau. Chỗ làm việc của Người chỉ có một bộ bàn ghế không nệm, không chạm trổ, không sơn son thiếp vàng, ghế giành cho Bác ngồi cũng chẳng cao hơn ghế của các vị khác. Còn bây giờ thì sao? Các vị học ai? Thôi, để các vị tự nói.
 
Cũng như Mahatma Ghandi, người chỉ có một đôi dép lốp, một lần sang thăm một ngôi đền bên Ấn độ, Người cũng tháo dép để bên ngoài trước khi bước vào trong đền. Người đón tiếp các cháu thiếu nhi cũng chỉ có một bông hoa rút ra từ chiếc bình hoa trên bàn; đón đoàn “Dũng sĩ” từ miền nam ra cũng chỉ có một chùm hoa phong lan ngắt trong vườn của Bác. Còn sau khi học Bác, tôi lại thấy nhiều hoa quá. Gần đây, một vị tướng được phong hàm cũng nhận được ba, bốn bó hoa! Nhận rồi lại phải tìm thùng rác mà bỏ thôi!
 
Hãy học bác từ việc nhỏ nhất ấy các bạn ạ. Nếu không được như vậy thì việc học hành cũng mới chỉ là hình thức thôi. Phải nhớ câu thơ của Tố Hữu, khi khóc Bác:
 
“Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
“Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
“Hơn tượng đồng phơi những lối mòn…”./.
HCM 34
 
Hình trong bài: Hai vị Thánh.
Ngày 21/9/202
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.