XỨ SỞ CỦA CÁC ANH HÙNG

Bộ đội
XỨ SỞ CỦA CÁC ANH HÙNG
 
Đó là Việt Nam. Ai nói không phải thì cứ coi lại lịch sử nước nhà, từ thời Bà Trưng Bà Triệu đến thời chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ, chống Tàu… có khi nào trên đất nước này thiếu vắng những anh hùng, những hành động anh hùng. Chẳng cần nói đâu xa, vụ lũ ở miền Trung nước ta năm 2020 và đợt dịch Corona hiện nay, đâu có thiếu những tấm gương tập thể và cá nhân anh dũng hi sinh vì nghĩa lớn.
 
Nói vậy để tôi chốt lại một câu, rằng hãy cứ lấy tên của những cá nhân anh hùng, tập thể anh hùng mà đặt tên cho trường, cho đường. Việc quái gì lấy mấy cái tên còn còn đang tranh cãi trong dân chúng mà đặt. Tôi nghĩ, ngàn năm sau, chúng ta cũng có đủ những cái tên xứng đáng được suy tôn để làm địa danh đâu đó.
Vì như có ai đó nói: “Ở Việt Nam ta, ra ngõ gặp anh hùng”. Vậy thì việc gì mà phải dùng những cái tên mang công và tội cứ mù mù mờ mờ.
 
Tỷ như, ông Phan Thanh Giản làm quan dưới các triều nhà Nguyễn từ Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự đức, vậy ông ấy đã có công trạng gì? Năm 1858, khi quân Pháp cùng quân Tây Ban Nha đánh chiếm Đà Nẵng và các tỉnh miền đông Nam kỳ. Trước tình hình đó, nhà Nguyễn cử ông đi cùng phó sứ là Lâm Duy Hiệp thương thảo với Pháp về ba tỉnh miền tây nhưng không thành. Pháp chỉ đồng ý trả lại tỉnh Vĩnh Long, nhưng triều đình phải bồi thường “chiến phí” cho Pháp mất 288.000 lạng bạc.
 
Phan Thanh Giản bị triều đình bắt tội, Phan Thanh Giản lo lắng và thất vọng nên uống thuốc phiện pha giấm thanh để tự sát vào ngày 4/8/1867. Dân gian ta lúc đó có câu vè, “Phan, Lâm mãi quốc, triều đình thí dân” (Họ Phan, họ Lâm bán nước, triều đình bỏ dân). Theo tôi, không thể lấy việc tự tử của Phan Thanh Giản là một hành động “tuẫn tiết” để ca ngợi.
 
Một trào lưu khác cũng đang nổ ra các cuộc tranh cãi trên mạng xã hội hiện nay là Alexandre de Rhodes và Trương Vĩnh Ký là người có công hay có tội? Công với ai và tội với ai?
 
Đối với đạo công giáo thì ông là người có công lớn đưa tôn giáo này vào Việt Nam mà các triều đại trước của nhà Nguyễn đã cấm và giết nhiều linh mục, tu sĩ và kể cả giáo dân. Song đến triều đại Nguyễn Phúc Nguyên thì đạo giáo phát triển. Chỉ trong 5 năm, A. de Rhodes đã có bốn lần đến Đàng Trong truyền giáo và vua Nguyễn Phúc Nguyên đã lệnh cho Đàng Ngoài phải xây một nhà thờ “thật đẹp”.
 
Nhưng đối với nước ta, không thể không kể đến việc La-tinh hóa tiếng Việt. Trước đó thì các văn bản của các triều đại phong kiến nước ta đều ghi lại bằng tiếng Hán Nôm. Tuy nhiên, A. de Rhodes chỉ dùng chữ La-tinh để phiên âm tiếng Việt, như “phiên âm quốc tế” trong Anh ngữ mà những ai học tiếng Anh đều biết. Từ chỗ phiên âm tiếng Việt, A. de Rhodes cùng với người có học ở mấy nước, đã biên soạn cuốn tự điển Việt – Bồ-đào-nha – La-tinh. Như vậy, chí ít thì A. de Rhodes là người đặt nền móng cho việc La-tinh hóa chữ Việt đầu tiên. Cho đến nay chưa có sử sách nào chỉ ra ai là người sáng tạo ra tiếng Việt mà chúng ta đang dùng. Cũng như vậy, ai là người sáng tạo ra chữ Hán Nôm thì tôi chưa biết.
 
Khi nói đến tiếng Việt, chúng ta cũng nên nói đến Trương Vĩnh Ký. Trương Vĩnh Ký có nhiều công lao với thực dân Pháp, như giúp Pháp xâm chiếm và cai trị Việt Nam, làm cố vấn cho Pháp trong việc đàn áp phong trào Cần Vương trong thế kỷ 19. Song, đối với nước ta, ông ta đã phát triển tiếng Việt trong nhiều thể loại. Ông ta đã có hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý và tờ báo tiếng Việt đầu tiên do ông ấy làm Tổng biên tập là tờ Gia Định báo. Còn những việc làm đó của Trương Vĩnh Ký có giá trị với văn hóa nước nhà không thì xin để các cơ quan, các viện phán xét.
 
Một điều hiển nhiên là những tác phẩm và báo chí của Trương Vĩnh Ký không và sẽ không bao giờ thể hiện quan điểm của những nhà cách mạng thời đó. Vì vậy, dân ta lúc đó đã liệt ông ta vào danh sách những tên phản quốc.
 
Ai cũng nói là phải tôn trọng sự thật của lịch sử. Song phía “ủng hộ” chỉ nói tới công, và phía “đả đảo” chỉ nói tới tội. Hãy đặt tất cả lên bàn cân coi mỗi bên nặng nhẹ thế nào rồi hãy quyết định.
 
Tôi viết bài này cũng dựa trên các sử liệu chứ ngày đó tôi chưa có mặt trên trái đất này thì làm sao mà hiểu rõ được? Điều duy nhất, tôi muốn nói là đất nước này thiếu gì anh hùng mà phải lôi ra những nhân vật có quá khứ mù mờ mà đặt địa danh để rồi tranh cãi. Mặt khác, tôi chắc chắn một điều, khi viết sử về một sự kiện nào đó, một nhân vật nào đó, thì các nhà viết sử, các nhà phê duyệt cũng nâng lên đặt xuống chán đi rồi.
 
Tại vì nghe mọi người cứ nhắc mãi hai chữ “lật sử” nên tôi phải đi tìm tư liệu để viết bài này. Chắc cũng không hợp khẩu vị của những ai đó?./.
 
Hình trong bài: Những người anh hùng
Ngày 25/10/2021
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.