VÔ PHÁP VÔ THIÊN

Luật Hồng đức
VÔ PHÁP VÔ THIÊN
 
Theo tự điển giải thích thì bốn chữ trên có nghĩa là “bất chấp luật pháp, bất chấp đạo trời”. Một đêm nọ, tôi nằm vắt tay lên trán nghĩ về một giai đoạn lịch sử của dân tộc, suốt từ năm 1945 đến năm 1975, phải chăng đó là giai đoạn mọi người sống không có luật pháp (vô pháp)?
 
Tình thực là tôi không biết nói thế nào, vì khi đó tôi còn ít tuổi lắm. Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng có quốc hội từ năm 1946, đại biểu quốc hội là người miền nam được bảo lưu cho đến giai đoạn nào tôi cũng chẳng biết nữa? Và Quốc hội thời đó có đúng là cơ quan lập pháp không và đúng thì đã có những luật gì được ban hành?
 
Thời đó, không có internet lại vẫn là thời kỳ chiến tranh, có lẽ vì thế mà người dân chẳng quan tâm gì đến luật (nếu có) và sống với nhau hình như chỉ theo một số quy ước?
 
Chín năm kháng chiến chống Pháp, tôi chỉ được biết, những câu như, “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”, hoặc “tiêu thổ kháng chiến”. Có lẽ một số bạn trẻ bây giờ chưa hình dung ra cái câu “tiêu thổ kháng chiến” đâu nhỉ? Đó là, một khi quân Pháp lấn chiếm đến làng xã nào, thì dân tự tay mình đốt hết nhà cửa, lương thực để quân địch đến không có chỗ để ở, không có thực phẩm để ăn! Chẳng biết cuộc tiêu thổ ấy có tác dụng đến đâu, nhưng đó là sự thật và thể hiện quyết tâm kháng chiến của toàn dân. Ta dừng ở điểm này để hỏi, vậy những hành động đó theo một điều luật nào? Chắc là chẳng có điều luật nào quy định cho hành động đó.
 
Năm tôi 17 tuổi thì kháng chiến chống Pháp thành công. Trong thời kỳ “chín năm” ấy, chưa một lần tôi nghe đến hai tiếng và cũng chưa bao giờ nhìn thấy hai chữ “luật pháp”. Câu chuyện đào hầm bí mật của chúng ta lúc ấy, nếu như bây giờ là đụng vào điều luật “xâm phạm gia cư bất hợp pháp”; còn thời đó, cứ thấy chỗ nào, nơi nào phù hợp cho cái hầm bí mật thì ban đêm vác cuốc vác mai đi đào. Đã là hầm “bí mật” mà còn xin phép chủ nhà thì còn đâu là “bí mật”! Tuy còn nhỏ tuổi mà tôi có đến 4 cái hầm bí mật cơ đấy, vì thế mà tôi vẫn có thể tham gia kháng chiến ngay trong lòng địch mà chưa bị bắt lần nào.
 
Rồi đến hai mươi năm kháng chiến chống Mỹ, thời đó đã có luật chưa nhỉ? Hình như cũng có, tôi có nghe đến “Luật hợp tác xã” và “Luật thuế nông nghiệp” thì phải. Song thời đó, cũng chẳng mấy ai quan tâm đến luật; cũng vì thế mà cũng chẳng mấy ai quan tâm đến Quốc hội đã bàn gì và đã đưa ra những điều luật nào? Đâu đâu cũng thấy câu khẩu hiệu, “Tất cả cho tiền tuyến”, có địa phương nọ còn đề ra câu, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”!
 
Nhắc lại những câu chuyện cũ để nói rằng, trong ba mươi năm kháng chiến chống quân xâm lược thì chắc chẳng có chuyện xây dựng luật lệ cho tất cả mọi hoạt động mà chúng ta chứng kiến ngày nay. Khi đó chỉ có đánh giặc và đánh giặc. Vậy có thể xin buông một câu nói dỡn là chúng ta đã trải qua một thời “vô pháp”!
 
Trong thời đại phong kiến, tôi nghe nói có bộ luật Hồng Đức đầy đủ lắm, song chắc chỉ có các sử gia và luật gia mới biết, chứ “nông gia” như tôi làm sao biết?
Bước sang thời kỳ mới, đánh giặc không còn là nhiệm vụ trọng tâm nữa nên phải xây dựng cho đủ các bộ luật của đất nước. Song làm sao mà nhanh, mà đủ, mà đúng được, vì chúng ta mới có 30 năm thôi, so với 200 năm của nước Mỹ, một nước có nội tình yên ổn để phát triển thì so sao được?
 
Tuy “vô pháp” thực đó, song chúng ta đâu có “vô thiên”? Chúng ta theo mệnh trời mà đánh quân xâm lược, xây dựng nền độc lập cho nước nhà, thu giang san về một mối. Thành tựu như thế là lớn lao lắm chứ!
 
Hai câu mở đầu trong “Bình Ngô đại cáo” Nguyễn Trãi, được thể hiện trong những cuộc kháng chiến chống xâm lược do nhân dân thực hiện chính là “thuận thiên”, thi hành theo “đạo trời”:
 
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
“Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
 
Lẽ đương nhiên, trong khi phải làm luật, hoàn chỉnh luật thì có ối kẽ hở để cho bọn cơ hội lợi dụng. Phải sửa dần dần thôi, muốn nhanh cũng không được. “Dục tốc bất đạt” như lời dạy của người xưa./.
 
Hình trong bài: Bộ luật Hồng Đức
Ngày 15/3/2022
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.