TÔI THẬT LÚNG TÚNG VỚI TÊN GỌI CỦA LAN

Theo yêu cầu của anh Truong An Tran, trong các bài viết của tôi trên blog, khi nói về tên lan thì nên kèm theo tên Việt (bên cạnh tên quốc tế). Điều này tôi thực lòng mong muốn, nhưng lực bất tòng tâm.

Hôm nay tôi xin đăng lại bài viết này, ngày mai tôi sẽ post lên bảng tên các loài lan Việt Nam với tên Việt và tên quốc tế, song cũng chỉ có các loài thuộc giống Dendrobium, mà chúng ta gọi chung là “Hoàng thảo”.Hình như ở Việt Nam ta, chia các loài lan hiện diện trong nước làm hai dòng – dòng lan rừng và dòng lan nhập khẩu. Thuật ngữ “lan rừng” là để chỉ những cây lan được khai thác trong rừng, trên núi trong phạm vi đất nước ta (có thêm Lào, Campuchia nữa). Nhưng theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, thì lan nào cũng xuất phát từ rừng, núi. Sau đó con người lai tạo hoặc nhân giống (bằng hạt, bằng cấy mô…) để có những giống lan đẹp hoặc thích hợp với điều kiện khí hậu nơi chúng đã được thuần hóa, như khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở nước ta chẳng hạn. Những giống lan rừng mà một số người ở nước ta đang khai thác hoặc là những giống thuần chủng, hoặc là những giống đã được lai tạo trong thiên nhiên và chúng được đặt tên, có thể nói là tùy tiện.

Trong trang web về hoa lan Việt Nam, phần nói về hoa lan của riêng Việt Nam, riêng giống Dendrobium tôi đếm được tất cả có 133 loài (trong số 1000-1400 loài trên thế giới). Cả 133 loài đều có tên quốc tế, dù cho đó là loài lan đặc hữu của Việt Nam như Den. chapaense (Den. Sapa), Den. khanhoaense (Den. Khánh hòa), Den. lanbianense (Den. Langbiang) vân vân. Những loài không phải là đặc hữu của Việt Nam thì hoặc là không có tên Việt đi kèm hoặc là có nhưng đa phần là không thống nhất một tên gọi.

Hình như ở nước ta có hai nhà thực vật học có nghiên cứu về lan, đó là ông Phạm Hoàng Hộ (PHH) và ông Trần Hợp (TH) – xin lỗi, tôi chỉ biết có vậy. Nhưng hai ông đã đặt tên Việt cho lan Việt mà cũng không thống nhất được với nhau. Thí dụ, Dendrobium amabile ông PHH gọi là Thủy tiên hường, ông TH gọi là Hoàng thảo duyên dáng, hay như Dendrobium parishii, ông PHH gọi là Song hồng, ông TH gọi là Hoàng thảo tím hồng, bạn tôi ở Pleiku thì bảo tôi đó là Trầm rừng. Trong số 133 loài Dendrobium của Việt Nam, ít nhất cũng có 40 loài đã không có sự thống nhất tên gọi giữa hai nhà thực vật học đó, có loài có đến 3 tên gọi. Do không có sự thống nhất nên loài Dendrobium palpebrae, được gọi là thủy tiên, rồi loài Dendrobium thrysiflorum cũng gọi là thủy tiên (trang web hoalanvietnam.org).

Tại sao dịch “Dendrobium” thành “Hoàng thảo”? nếu ai biết xuất xứ của nó thì xin chỉ bảo dùm. Chữ “Hoàng thảo” phải chăng đó là từ Hán Việt? “Hoàng” là “vàng” hay là “Hoàng thượng”, “Hoàng đế”, “Hoàng hậu”; “Thảo” có phải là “cây cỏ”, nó có gì nêu được đặc điểm của giống Dendrobium? Ngay cả những nước láng giềng của ta, người ta lai tạo ra khá nhiều loài lan, nhất là Dendrobium và Cattleya nhưng người ta vẫn đặt theo tên quốc tế, tức là dùng chữ La-tinh, theo đúng Luật Ưu tiên (Law of Priority) mà các nhà làm vườn thế giới đã thống nhất với nhau. Việc đặt tên cho các loài lan cũng phải tuân thủ luật này.

Nhìn chung, ở nước Việt Nam ta, việc đặt tên cho các loài lan không được chú ý mấy. Mỗi vùng gọi một cách. Ví như loài Rhynchostylis gigantea, nghe nói ở miền bắc gọi “Tai trâu” hay “Đai châu” gì đó, ở miền trung gọi là “Nghinh xuân”, ở miền nam gọi là “Ngọc điểm”. Chẳng sao hiểu nổi. Chắc các nhà khoa học cũng nên thống nhất lại, vì chúng ta sắp thành cộng đồng ASIAN rồi mà. Đi sang nước bạn mà cứ hỏi mua lan “Tai trâu” thì họ không được hiểu cho lắm! Hoặc ta nên cử người sang các nước đó, dậy cho họ cách gọi tên lan theo tên Việt.

Tháng Bảy, 2015
Ph.T.Kh.