NGHĨ RẰNG ĐỒ THẬT!

Tiến sĩ giấy

CÂU CHUYỆN HÔM NAY

NGHĨ RẰNG ĐỒ THẬT!

Bạn nghĩ sao về thông tin dưới đây được đăng trên báo Thanh Niên ngày 3/11:

“PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, giảng viên đại học, hỏi các sinh viên của mình ở trường Đại học Kinh tế – Luật thành phố HCM (Đại học Kinh tế – Luật, bạn nhé):

  • Có em nào biết Vũ “nhôm” và Út “trọc”, giơ tay – 60% biết
  • Em nào biết tên Bộ trưởng Bộ Tài chính, giơ tay – 0% biết
  • Em nào biết tên Thống đốc ngân hàng nhà nước – 0% biết
  • Em nào biết tên đương kim Bộ trưởng Bộ GD-ĐT – 3 em biết
  • Em nào biết tên Chủ tịch UBND thành phố, giơ tay – 0% biết
  • Em nào biết “Tuyệt tình cốc”, giơ tay – 80% biết
  • Em nào biết người mẫu bán dâm, giơ tay – khoảng 90% biết
  • Em nào biết quá trình đàm phán của VN gia nhập WTO, giơ tay – 0% biết
  • Em nào biết Hiệp định TPP là gì, giơ tay – 0% biết
  • Em nào biết Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), giơ tay – 0% biết

Theo thạc sĩ Lê Hoài Tuấn, Chánhvăn phòng kiểm định chất lượng giáo dục, chỉ có độ 10% sinh viên hiện nay quan tâm sâu sắc đến thời cuộc, lĩnh vực nghề nghiệp mình đang học tập và theo đuổi”.

Đọc đến đây, chắc sẽ có hai luồng ý kiến khác nhau. Người thì bảo, quan tâm đến lĩnh vực nào là quyền của mỗi người. Người khác thì bảo tại cái nền giáo dục của nước ta nó kém quá. Ừ, cứ cho là tại nền tảng giáo dục nước nhà kém, vậy tại sao năm nào ta cũng có các học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế? Riêng năm 2018, tất cả các cháu đi thi quốc tế đều có huân chương, trong đó có 13 huy chương vàng?

Hàng triệu giám đốc các doanh nghiệp lớn bé của nước nhà, đâu phải tất cả đều được đào tạo ở nước ngoài? Tôi thì nói, đó là lỗi của các sinh viên, nói rộng ra là, lớp trẻ bây giờ đã không phải lo cơm áo gạo tiền, song lại rất bàng quan với thời cuộc (tất nhiên không phải tất cả, nhưng là đa số). Tôi đồng ý rằng, phương pháp giáo dục ở các trường học của ta còn nhiều điều phải cải tiến, phải thay đổi, song đừng quên phương pháp học tập của bản thân còn quan trọng hơn nhiều.

Không phải cứ là người yêu nước mới quan tâm đến thời cuộc mà vì chúng ta đang sống trong một môi trường phụ thuộc lẫn nhau rất mạnh mẽ, chẳng một ai, chẳng một quốc gia nào có thể tách riêng mình ra khỏi guồng quay của cuộc sống.

Ngày xa xưa, khi nền kinh tế nước nhà còn là một nền kinh tế tiểu nông. Người nông dân chỉ biết chăm lo mảnh ruộng riêng của mình; có quan tâm đến bên ngoài thì cũng là “Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa trông nắng, trông ngày trông đêm”, thế thôi! Ngày nay người nông dân phải quan tâm nhiều thứ, nào phòng bệnh, chữa bệnh cho cây trồng, vật nuôi; nào thị trường tiêu thụ; nào tiêu chuẩn Vietgap, tiêu chuẩn Worldgap.

Ấy vậy mà, những nhà trí thức tương lai của đất nước thì chẳng quan tâm đến cái gì thuộc về xã hội. Nói xã hội thì rộng quá, ngay đến những vấn đề thuộc lĩnh vực của mình cũng chẳng được quan tâm. Vậy thì họ quan tâm cái gì? Ngoài giờ nghe giảng trên lớp thì mắt và tay không rời chiếc điện thoại thông minh. Một nghịch lý là ít quan tâm đến thời cuộc song lại thích đọc, thích truyền bá những tin giật gân, không cần kiểm chứng.

Chúng ta nên biết, trải qua 12 năm học ở phổ thông vất vả, tốn kém tiền của của cha mẹ biết bao nhiêu mới đặt được chân vào các trường đại học. Sau năm bảy năm học tập, rồi các bạn phải tìm việc làm chứ. Vào bất cứ doanh nghiệp nào, các bạn cũng phải qua một hoặc nhiều vòng phỏng vấn để được tuyển dụng. Chẳng lẽ… biết nói sao bây giờ? Chẳng lẽ “Tôi không biết, ông hay bà tuyển thì tuyển, không thì tôi về để cha mẹ tôi nuôi tiếp!”

Tôi có một đứa cháu nội, hắn đang chuẩn bị thi vào một trường đại học, ngoài việc tìm kiếm kiến thức thuộc về lĩnh vực hắn lựa chọn, thì cháu tôi còn rất quan tâm đến thời sự, như việc hắn đọc rất kỹ các bài diễn văn nhậm chức của người đứng đầu nhà nước, bất kể là ở trong nước hay nước ngoài chẳng hạn. Không ai bắt hắn phải làm vậy, chẳng qua là hắn nghĩ đến một ngày nào đó, hắn sẽ phải đi kiếm việc làm. Vậy thôi.

Thạc sĩ Châu Thế Hữu nói, “trước đây không có internet nên không bị phân tâm vào những thông tin giật gân, mà thường đọc tạp chí, đọc sách chuyên khảo và liên tục cập nhật thông tin về mọi mặt. Những kiến thức đó đã cứu chúng tôi khỏi những câu hỏi thời sự bấy giờ của nhà tuyển dụng”.

Vấn đề cốt lõi là tự bản thân mỗi người, họ có muốn và có cần tích lũy kiến thức hay không? Internet là một công cụ giúp cho kiến thức của chúng ta trở nên phong phú hơn và giúp ta tiết kiệm thời gian hơn trong việc tìm kiếm kiến thức. Song nếu lấy internet để thay thế cho thư viện là một sai lầm lớn của các bạn trẻ.

Vậy nên, những bạn trẻ đừng bao giờ đổ lỗi cho khách quan. Khách quan không chỉ đang diễn ra mà trong tương lai, cái “khách quan” ấy có khi diễn ra nhanh hơn, phức tạp hơn. Các bạn đừng để cái “khách quan” nó biến bạn thành những ông “tiến sĩ giấy” như bài thơ dưới đây của cụ Nguyễn Khuyến:

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai

Cũng gọi ông nghè có kém ai

Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng

Nét son điểm rõ mặt văn khôi

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?

Cái giá khoa danh ấy mới hời!

Ghé tréo, lọng xanh ngồi bảnh chọe

Nghĩ rằng đồ thật, hóa đồ chơi!

Ngày 5/11/2018

Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.