NHẤT LỘ NHẤT ĐỚI

Kra

CÂU CHUYỆN HÔM NAY (Tiếp theo)
NHẤT LỘ NHẤT ĐỚI
Rồi từ đó, Trung Mỹ bắt tay nhau. Món quà đầu tiên mà Trung Quốc nhận được là quần đảo Hoàng Sa. Để đáp lễ, Trung Quốc đã giúp Khmer đỏ, quấy rối Việt Nam, sau đó trực tiếp đưa quân đánh vào các tỉnh biên giới miền bắc Việt Nam. Mỹ đã giúp cho Trung Quốc nào tiền, nào công nghệ để chỉ trong vòng vài chục năm đã trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới, cạnh tranh ngôi bá chủ của chính nước Mỹ. Khi Donald Trump lên ngôi vị tổng thống, mới giật mình, mới tìm các biện pháp kiềm chế anh “Hoa vi trung” lại.

Tập Cận Bình hiện nay kế tục sự nghiệp của Đặng Tiểu Bình nhưng tham vọng thì lớn hơn. Các đời tổng thống Mỹ trước Donald Trump đều coi Trung quốc không ra gì nên không đề phòng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung quốc trong nhiều năm gần đây đều đạt trên hai con số. Với nhân công rẻ và không nề hà việc gì (mèo trắng hay mèo đen…), vậy là hàng hóa của Trung quốc tràn ngập khắp nước Mỹ và các nước khác với giá rẻ không ngờ.

Trung quốc bắt đầu xuất siêu và trở thành chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ. Hiện nay Trung Quốc có lượng ngoại tệ dự trữ lớn nhất thế giới. Khi Donald Trump nhậm chức, Trump nhận ra rằng Trung quốc sắp vượt mặt Mỹ, một trong những việc làm đầu tiên là kiềm chế Trung quốc. Song hơi bị trễ.

Trung quốc khác Mỹ trong phương cách làm bá chủ thế giới. Mỹ tạo sự bất ổn cho nước không theo Mỹ rồi dựng lên một chính quyền thân Mỹ để kiếm tiền qua các phi vụ bán vũ khí và các hàng khác, cũng như qua bòn rút tài nguyên của nước đó. Trung quốc từ khi có nhiều tiền thì dùng tiền, dùng hàng hóa để khống chế các nước trong vòng tay của mình. Thứ gì không mua được bằng tiền thì Trung Quốc mua bằng rất nhiều tiền.

Trung quốc bỏ tiền ra cho các nước nghèo châu Phi để được quyền khai thác tài nguyên. Trung Quốc bỏ tiền ra cho các nước nằm trên con đường tơ lụa mới vay để Trung Quốc có đường, có cảng, thực hiện giấc mơ “nhất lộ nhất đới”, nhằm vận chuyển hàng hóa của mình nhanh nhất, rẻ nhất đến các thị trường, nhưng vẫn dưới chiêu bài kết nối các quốc gia với nhau, trong thời đại toàn cầu hóa.

Mỹ có biết âm mưu đó của Trung Quốc không? Biết rất rõ, song Mỹ không bắt các nước từ chối các khoản tín dụng ưu đãi của Trung Quốc được. Ông cần bao nhiêu để làm công trình đó? Tôi cho vay, bao nhiêu cũng có. Chú Tập bảo vậy. Chú Trump thì không nói vậy được, thế là chú Tập cứ tỉa dần, tỉa cả vào thành viên NATO là Italy, đó là một đầu của con đường tơ lụa thuộc phần đất châu Âu, giấc mơ “Hoa vi trung” đã thành hình. Con đường tơ lụa trên bộ, vượt qua mấy nước đông Âu, cũng có điểm đến đối diện với nước Anh, vận chuyển bằng xe lửa, nhanh mà lại rất rẻ.

Con đường tơ lụa trên biển hiện nay còn vướng anh Việt Nam vì anh ta dùng cả cái quần đảo Trường Sa để cản đường xuống phía nam. Nhắc lại chuyện cũ một chút về cái anh Việt Nam cứng đầu này. Còn nhớ, trong kháng chiến chống Mỹ, ông Mao khuyên phải “trường kỳ kháng chiến” thì ông Hồ của chúng ta chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh”; ông Mao bảo các đồng chí tập trung vào miền nam, để miền bắc chúng tôi giữ, ông Hồ nói với các đồng chí của mình: “nợ tiền nợ bạc thì trả được, chứ nợ xương máu thì trả đến khi nào mới hết”, vậy là lại một lần nữa ông Hồ không nghe theo; về chiến thuật chiến tranh, ông Mao bảo các đồng chí chỉ nên tổ chức chiến dịch cấp đại đội thôi, các đệ tử của ông Hồ dùng luôn cấp sư đoàn để đánh chắc thắng.

Khi bị Việt Nam cản đường, Trung Quốc quay sang ve vãn Philippines. Ngày xưa Phi cũng cứng đầu lắm, nên được Tòa trọng tài quốc tế ủng hộ, bác bỏ cái đường lưỡi bò liếm cả biển Đông. Nhưng từ hôm anh Duterte lên giữ ghế tổng thống, chẳng biết anh ấy tra gia phả thế nào mà bảo với anh Tập rằng tổ tiên tôi là người Trung Quốc! Không biết trong ba nước là Ngụy, Thục và Ngô của Trung Hoa cổ thì thủy tổ của anh Deterte thuộc nước nào?

Vậy là anh Duterte nhượng bãi cạn Scarborough cho Trung Quốc kiểm soát, nếu không có cơ quan tư pháp của Phi phản đối thì đảo Thị Tứ nay cũng không còn. Trên con đường tơ lụa trên biển Đông hiện Trung Quốc còn vướng Brunei, vướng Singapore, vướng Malaysia và Indonesia, vì vậy Trung Quốc quay sang ve vãn mấy anh đảo quốc trên Thái Bình Dương như Papua New Guenea cho “đường thông, hè thoáng”.

Phía tây, tuy không thuyết phục được Ấn độ, song đã có Pakistan và đặc biệt là mua được cái cảng biển lớn nhất của Sri Lanka. Như vậy, dự án “vành đai, con đường” của Trung Quốc tuy chưa liền một mạch song, chẳng chóng thì chầy, mọi chuyện cũng đâu vào đấy. Nhiều tiền mà!

Ngày 11/4/2019
Ph. T. Kh.

Hình trong bài: Vành đai và con đường trên biển

Add a Comment

Your email address will not be published.