CỜ ĐẾN TAY

Cờ
CÂU CHUYỆN HÔM NAY
CỜ ĐẾN TAY
 
Cờ đến tay ai người ấy phất, đó là câu nói của người xưa. Câu nói ấy hàm ý rằng, người nào đã có cơ hội để làm một việc gì đó thì làm cho ra hồn. Đã được trao cờ thì cầm cho chắc, phất cho cao, cho hùng dũng, cho oai vệ.
 
Tiếc thay, có những người được trao cờ mà không dám phất ngọn cờ cho cao, hay không biết phất thế nào cho cao để dẫn dắt ngành mình, địa phương mình đi trên con đường sáng.
 
Sắp đến kỳ đại hội đảng CS lần thứ XIII rồi, không lẽ chỉ có bằng ấy ông, bà tuổi đã cao cứ mãi đứng ra gánh vác sự nghiệp? Vậy cho nên, ngay từ nhiệm kỳ thứ XII, người ta cũng đã đặt một số người trẻ vào những vị trí để sau này mà cậy mà nhờ.
 
Trong số những người trẻ, có nhiều người xứng đáng là tre già măng mọc, xứng đáng để kế tục sự nghiệp của những người cao tuổi. Song cũng có những vị, được trao cho cơ hội “ngàn năm một thuở”, nhưng loay hoay mãi, hết nửa nhiệm kỳ rồi mà không biết nên làm thế nào cho nổi bật vai trò của mình trước bàn dân thiên hạ.
 
Có anh cứ đưa ra một quyết định gì mới là y như rằng gây bão trong dư luận. Tôi chưa nói quyết định đó là đúng hay sai, riêng tôi thì đúng nhiều hơn sai, nhưng lại không biết giải thích cho dân hiểu nguồn cơn cũng như tính hợp lý của quyết định đó, hay nói theo thời thượng là không minh bạch hoặc không dám minh bạch. Có thể nói như vầy chăng? – Hoặc là sợ dư luận, hoặc là ông cứ nhắm mắt ký một khi cấp dưới trình lên mà không bắt chúng phải giải trình, không tính đến các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
 
Tỷ như cái giá điện, chính phủ đã có nghị quyết sẽ tăng giá từ năm 2018, nếu như mỗi năm ông tăng một chút đến năm 2019 cộng lại đạt đủ 8,36%, sao không lo sớm đi? Yếu tố thiên thời cũng không có. Chẳng may năm nay trời trở chứng, đúng lúc sức nóng của ông trời đến 40 độ, nhà nhà tăng mức tiêu thụ điện, ông chơi tăng giá một phát. Thế là thiên hạ bị choáng, họ mới chửi ông. Đã không biết giải thích thế nào cho trúng, ông đành nói một câu lãng nhách: “bản tính giá điện là bí mật quốc gia!”. Thiên hạ càng chửi dữ. Không biết làm thế nào, ông đành vận đến an ninh mạng để đe nẹt!
 
Có ông trong lúc đang rơi vào tâm bão BOT, không đề ra được quốc sách làm thế nào để an lòng thiên hạ, thì ông lại loay hoay, tìm cách thay tên mấy cái trạm – lúc là ‘thu giá’, lúc thì ‘thu phí’, lúc lại ‘thu tiền’… mà bản chất của nó là xe nào đi trên cầu đường thì trả tiền. Gọi bằng cái tên gì thì bản chất của nó là thu hồi khoản vốn đã đầu tư cho người bỏ tiền ra xây dựng.
 
Là người đứng đầu một ngành, ông ra mặt bênh nhà thầu A, B, C thì ngay cả tôi, tôi cũng có sự nghi ngờ về tính vô tư, tính minh bạch, tính công bằng của ông. Lớn đầu rồi, lớn chức rồi, làm sao mà mỗi lời nói ra là một “lời vàng thước ngọc”, chứ ai lại nói như người thiếu hiểu biết thế?
 
Không biết có kẻ phá hoại nào phá các ông không? Dù không hay có thì cứ cái cách xử lý vấn đề như vậy là chưa xứng tầm. Lại có ông, chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng. Mới cầm cái chức thượng thư đã bắt lính tráng mang xe ra tận chân cầu thang máy bay đón vợ con. Hỏi ông, ông bảo tại văn phòng họ làm, chứ tôi không yêu cầu. Vậy là ông thiếu dũng khí của một người quân tử. Một ông khác, đã có vợ con đề huề, mới ngoài tam thập tuế, thế mà vướng vào chuyện trai gái lăng nhăng, phạm luật hôn nhân đó ông ạ. Đường đường là một anh đầu ngành ở một địa phương to đùng, quan trọng vãi, trung ương cách một cái, mất hết mọi chức. Đau chứ nhỉ?
 
Tôi nghĩ thương các ông, chẳng qua “cái trình” của các ông chưa đến độ, nên chưa biết nên làm cái gì và làm như thế nào. Có một điều, chính tư duy của những vị này đều thể hiện một “quyền lực cũ”. Theo như Jeremy Heimans và Henry Timms, các nhà khoa học cũ vẫn nghĩ “Phòng thí nghiệm là thế giới của tôi”. Đáng lý ra khi thực hành “quyền lực mới” các vị phải suy nghĩ khác, “thế giới là phòng thí nghiệm của tôi”. Từ đó suy ra, nhiều vị nhà ta vẫn khư khư với quan niệm “chiếc bàn giấy với chức vị là thế giới của tôi”, chứ không phải “thế giới của tôi là sự phát triển ngoài xã hội” (xem thêm bài “Quyên lực mới” đăng ngày 22/5 trên trang FB của tôi).
 
Này các chính khách trẻ tuổi, phải ráng mà “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Học ăn học nói cũng khó nhưng đã rõ rồi, còn học gói học mở phải hiểu theo nghĩa, biết khi nào thì ta giữ lại ở trong đầu và khi nào thì ta phải mở lòng với xã hội, chứ không phải gói hay mở bọc tiền nhé. Đừng có cứ bạ đâu nói đó, như vậy không phải là chính khách!
 
Chỉ còn một năm rưỡi nữa thôi, hãy ngồi suy nghĩ cho kỹ, tìm cách phất cho cao ngọn cờ người ta đã trao cho. Song song với việc giương cao ngọn cờ phải nhớ rèn đức cho tốt, cho sáng láng thì may ra mới có lần thứ hai đó các ông ạ./.
 
Ngày 23/5/2019
Ph. T. Kh.
Hình trong bài: Phất cao ngọn cờ chính nghĩa

Add a Comment

Your email address will not be published.