NGƯỜI GIA CHIÊM NGHIỆM (66)

Dân tộc
NGƯỜI GIA CHIÊM NGHIỆM (66)
 
Trong lúc đại bộ phận người dân chúng ta ngày đêm vượt qua khó khăn, vượt qua sự thiếu thốn về vật chất để cho ra những sản phẩm “made in Vietnam” thì lại có những kẻ chẳng làm gì, chẳng đóng góp được gì nhưng vẫn chê bai, chọc ngoáy. Chúng ta đâu chỉ có sản xuất ốc vít, mà đã có nhiều thứ, lớn thì như các tàu chiến, tàu đánh cá ngoài khơi, vũ khí hạng nặng và nhẹ, hoặc như cái xe hơi, xe máy; nhỏ thì như những cái áo cái quần; mới ngày hôm qua đây gạo tẻ mang ký hiệu CT25 của tỉnh Sóc Trăng đã được cuộc bầu chọn ở Philippines xếp vào loại gạo ngon nhất thế giới.
 
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội và giáo dục, tuy chưa bằng những nước tiên tiến trên thế giới, song cũng không thiếu thành tựu. Các học sinh của chúng ta mỗi lần đi thi quốc tế đều có giải mang về, trong đó có nhiều giải vàng, lá cờ tổ quốc vẫn thường được dâng cao trên các nước đăng cai tổ chức. Thành tựu về y tế cũng không thua kém nhiều nước, thậm chí chúng ta còn đi “dạy” cho bác sĩ nhiều nước về cách mổ tuyến tụy tiên tiến nhất mà Việt Nam đã tìm ra.
 
Gần đến ngày “Quốc tế các nhà giáo”, tôi muốn giành phần cuối của bài này để tri ân các thầy cô giáo trên các vùng xa xôi, hẻo lánh của các dân tộc thiểu số, nơi đang cần được trao “cái chữ” cho con em họ, để thực hiện chính sách “miền núi tiến kịp miền xuôi”.
 
Tôi muốn nói đến trường Kon Pling, thuộc huyện Kon Plong, Kon Tum. Nếu bạn muốn đến ngôi trường này từ thành phố Kon Tum thì bạn phải dành ra khoảng 7 giờ đồng hồ, đó là trong trường hợp thời tiết tốt, không bão, không lũ. Vậy mà ở đó có 5 thầy cô, các thầy cô vừa là người thầy, vừa là người bảo mẫu lại vừa là người nấu ăn, chăm lo cho 61 học sinh toàn là người dân tộc thiểu số. Đó là 5 tấm gương sáng quên mình vì những em bé kém may mắn. Điển hình là thầy Hà Anh Nhất, có thâm niên 15 năm bám bản “gieo con chữ”. Trong suốt 15 năm qua thầy liên tục vượt 130 km từ nhà đến trường vào các dịp cuối tuần.
 
Tôi xin có lời khuyên những kẻ hay ngồi nhìn một cách bàng quan, rồi chê bai, chửi bới thì hãy làm một việc gì đó cho có ích. Như vậy mới xứng đáng được gọi là con người.
 
Tôi nhớ, ngày xưa ở nhà quê, mỗi lần người lớn làm việc gì đó, đám trẻ con xúm lại để coi rồi bình phẩm; người lớn vừa phải làm, vừa bị quấy rầy, vậy là ông ấy quát: “Lũ trẻ ranh đi chỗ khác chơi, yên cho người ta làm!”. Tôi cũng muốn dành câu này cho những kẻ đã không làm mà còn phá./.
 
Hình trong bài: (1) Liên hoan thanh niên các dân tộc thiểu số; (2) và (3) Thầy cô tại trường Kon Pling trên lớp và trong bữa ăn.
Dân tộc
Dân tộc
 
Ngày 15/11/2019
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.