NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (92)

Giá điện
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (92)
 
Bảng dưới đây là giá thành của mỗi Ki-lô-oát giờ điện (kWh) đối với mỗi loại nguồn điện:
 
Thủy điện: khoảng 1.000 VND/kWh
Nhiệt điện than: khoảng 1.500 VND/kWh
Gió (phong điện): 1.900 đến 2.200 VND/kWh
Nhiệt điện dầu nặng (FO): khoảng 1.600 VND/kWh
Điện mặt trời: 2.100 VND/kWh
Nhiệt điện dùng khí: 2.300 đến 2.800 VND/kWh
 
Đầu tư vào nguồn điện nào là do các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách chứ tôi có cảm giác rằng, mấy vị quan chức ở một số địa phương cứ nghe thấy hai chữ “điện than” là giãy lên như đỉa phải vôi vậy.
 
Thứ nhất, tôi xin nhắc lại một ý mà trong một bài trước đây tôi đã viết, rằng chẳng có nguồn điện nào mà không gây ô nhiễm, chỉ là ít hay nhiều mà thôi. Cái nguồn mà chúng ta tưởng không gây ô nhiễm, đó là điện mặt trời, thì chỉ ít năm sau khi đưa vào vận hành thì các vị sẽ biết.
 
Thứ hai, khi xem xét đầu tư đừng để cảm tính nó chi phối. Hãy xét về công nghệ. Những nhà máy điện than, thuộc công nghệ đời đầu, đời thứ hai chẳng còn trên đất nước ta. “Nhờ máy bay Mỹ” san bằng hết rồi! Bây giờ có đầu tư vào điện than thì cũng là thế hệ thứ ba thứ tư gì đó. Càng về sau mức độ ô nhiễm càng giảm, giá thành điện cũng giảm theo.
 
Nước Nhật, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và nền khoa học kỹ thuật của họ đứng thứ hai thế giới, lại là một nước gần như không có tài nguyên gì, song họ vẫn có các nhà máy nhiệt điện than. Có bài báo nói “Bắc Kinh đã loại bỏ nhà máy điện than”, thế là dân mạng nhao lên chia sẻ và bình, coi như đó là “một hình mẫu” ta nên theo. Xin nhớ, người ta nói “vùng Bắc Kinh” không còn nhà máy điện than, chứ không phải nước Trung hoa không còn điện than, vì vậy Trung quốc vẫn là nước đứng đầu sổ về ô nhiễm đó.
 
Chung quanh Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh chẳng có một nhà máy điện than nào mà tình trạng ô nhiễm (như người ta nói) là cao nhất nước đó. Theo các cơ quan có trách nhiệm thì nguồn ô nhiễm chính của hai thành phố này là từ xe gắn máy và các phương tiện vận tải khác. Xe gắn máy, xe hơi của ai? Chính là của mỗi chúng ta! Vậy mỗi người hãy tự đấm ngực mình mà nói rằng: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng!” như người theo đạo Thiên chúa mỗi lần vào nhà thờ xưng tội ấy.
 
Còn về xỉ than, đó cũng là một nguồn chất thải gây ô nhiễm, nhưng đó cũng là một nguồn vật liệu xây dựng rất tốt mà ta chưa tận dụng – làm gạch pa-panh, vừa nhẹ vừa xốp, và dùng để san lấp rất tốt, nếu tận dụng được thì sẽ giải quyết được nạn khai thác cát “lậu”. Trên thế giới phát triển, người ta không đào đất lên để đóng gạch nữa đâu.
 
Tôi viết những dòng trên đây không phải để bênh vực điện than trước sự ghét bỏ của nhiều người, mà chỉ muốn các nhà hoạch định chính sách hãy đặt tất cả các yếu tố lên bàn cân rỗi hãy quyết định.
 
Phần đầu, tôi nói về giá thành các nguồn điện, các bạn nhớ phải cộng thêm phí truyền tải và phân phối trước khi nó đến đồng hồ đếm điện nhà bạn nhé. Đó mới chính là giá điện “thương phẩm” trung bình, tức là phần gia đình chúng ta phải trả, con số này của năm 2018 là 1.731,04 VND/kWh đó các bạn. Giảm thiểu ô nhiễm thì chúng ta phải chấp nhận trả tiền cho mỗi số điện mà ta dùng cao hơn. Đó là sự lựa chọn của chúng ta.
 
Các bạn nhớ con số 1.731 đồng nhé. Giá bán còn thấp hơn giá thành của điện gió, điện khí và điện mặt trời. Tức là nếu chúng ta loại trừ thủy điện, loại trừ nhiệt điện than thì số tiền chúng ta phải trả cho mỗi kWh điện sẽ cao hơn nhiều đấy.
 
Sự lựa chọn của các bạn thế nào thì tùy các bạn ./.
 
Hình dưới: Giá bán điện của một số nước (US dollar/kWh)
 
Ngày 23/12/2019
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.