NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (111)

Con cò
NGƯỜI GIÀ CHIÊM NGHIỆM (111)
 
“Ăn ốc nói mò, ăn măng nói gió, ăn cò nói leo”, đó là câu ca dao của dân ta. Càng nghĩ càng thấy câu này hay thiệt. Về nghĩa đen cũng đúng mà nghĩa bóng cũng hay. Ai muốn ăn ốc thì phải đi mò (mò cua bắt ốc); ai muốn ăn măng thì đi lượm sau cơn bão (mượn gió bẻ măng); ai muốn ăn thịt cò thì phải leo lên cây mà bắt!
 
Đó là chuyện ca dao. Song trong đời sống hàng ngày, không mấy người đem câu ca dao đó ra mà khuyên người ta đi bắt ốc, bẻ măng hay bắt cò. Mỗi khi nhắc đến câu ca đó, là người ta muốn ám chỉ một hành động gì đó, một điều gì đó đang xảy ra.
 
Mở đầu, ta nói bàn về chuyện “ăn ốc nói mò” nhỉ? Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, mà chủ yếu là internet, mọi người liên kết với nhau một cách nhanh chóng và rộng khắp. Lượng thông tin mỗi người nhận được trong một ngày nếu biến được chúng thành lương thực thực phẩm thì việc ăn cơm hàng ngày không còn cần nữa. Một chuyện xảy ra bất kỳ đâu trên trái đất, vậy là nhiều người ào vào tương tác. Người hiểu chuyện thì nói lên sự thật, người không hiểu nhưng lại muốn kích thích lòng hiếu kỳ của người khác thì suy diễn theo cảm tình yêu, ghét của mình. Người cẩn trọng thì chậm rãi tìm hiểu ngọn nguồn.
 
Người đưa tin sự thật, người cẩn trọng suy xét, đó là những người tử tế. Còn loại người không nắm được ngọn nguồn, suy diễn theo sự yêu ghét cá nhân là những người không tử tế. Họ có thể muốn câu “view” câu “like” đơn thuần, song cũng có người với những ý đồ xấu, đen tối thì mang theo một âm mưu phá hoại.
 
Nói mò nhiều nhất là những cái cơ quan truyền thông hải ngoại như RFA, BBC, VOA (tiếng Việt) và mấy cái lẻ tẻ khác. Một bữa nghe cái ông trên đài S…TV nói mò mà vừa tức vừa buồn cười, ông ta bảo sở dĩ các ông lãnh đạo của Việt Nam dùng bí danh là để sau này đưa con cháu vào bộ máy công quyền khỏi mang tiếng là con ông cháu cha! Tôi phải chữa cái ngu của ông ta rằng, vì một khi chính quyền chưa về tay những nhà cách mạng, họ hoạt động bí mật, nên phải dùng bí danh. Thế hệ sau không còn ai dùng bí danh nữa.
 
Còn cái chuyện “ăn măng nói gió” thì cũng vui đáo để. Đó là sự đặt điều, mà dân ta còn có một câu ca tương tự “ăn đằng sóng, nói đằng gió”. Nó cũng gần với ý của câu ăn ốc nói mò, song mức độ nguy hiểm, mức độ sâu sắc nó cao hơn. Người ta muốn đạt được một mưu đồ gì đó, thì không ngần ngại bịa đặt, tung tin thất thiệt để lung lạc những người nhẹ dạ cả tin. Ở đất nước nào, trình văn hóa của dân chúng còn thấp thì phương cách “ăn măng nói gió” rất có hiệu quả. Chính vì lẽ đó mà biện pháp chống lại như nhà nước ta luôn kêu gọi là “bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc” và “văn hóa là cội nguồn”.
 
Điển hình cho việc “ăn măng nói gió” là câu chuyện dài về biển đông, chuyện từ năm 1974 kéo đến tận ngày nay. Thế lực phản động trong và ngoài nước luôn khoét sâu và đẩy cao mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung quốc để kích động dân chúng. Mỗi khi quan hệ Việt Trung có sự hòa dịu thì họ bảo chúng ta là Hoa nô, khi quan hệ hai nước có trắc trở thì họ bảo phải dựa hẳn vào Mỹ. Họ không thích chính sách “ba không” mà nhà nước ta đang theo đuổi, họ thực tâm muốn đất nước ta có biến và thậm chí có chiến tranh nữa.
 
Rồi cũng chính cái đài S… TV mới cách đây ít ngày còn chửi dân ta là vô giáo dục nên thiếu đạo đức, đó là khi hắn ta nói về việc cô tiếp viên hàng không buôn lậu. Hắn bảo ở Việt Nam chỉ dạy nghề chứ không dạy đạo đức. Bố tổ lão!
 
Chuyện “ăn cò nói leo” thì dành cho những người chẳng có chính kiến gì. Thấy một người nào đó khởi xướng ra một câu chuyện thì lập tức a dua, “thêm mắm thêm muối” vào để đẩy câu chuyện càng ngày càng đi xa khỏi cái bản chất của nó. Như vậy, câu chuyện càng lan tỏa bao nhiêu thì nó càng xa cái gốc của nó bấy nhiêu. Cũng có người leo mãi mà không bắt được cò, leo lên cành cao quá rồi rơi xuống chết, chí ít thì cũng mất vài ba chục triệu nộp phạt vì cái tội ngu mà muốn nổi.
 
Chuyện lòng vòng cũng chỉ đến như vậy thôi. Cái thứ “ăn ốc nói mò”, cái thứ “ăn măng nói gió” và cái thứ “ăn cò nói leo” đầy rẫy trong xã hội mà chúng ta đang sống trong đó. Nó là một thứ “ô nhiễm”, gây tác hại không nhỏ cho đời sống văn hóa của người dân. Xin lấy một vài ví dụ, chuyện Đồng Tâm đó, một khi chưa có thông tin chính thức thì biết bao nhiêu kẻ đoán mò rồi tung tin thất thiệt, cho đến ngày hôm qua, đám con cháu nhà Lê Đình Kình – người thật việc thật, lên TV thừa nhận những hành động giết người dã man mới làm cho nhiều người ngộ ra là ta đã bị dắt mũi nhiều quá. Lời thú tôi của con cháu nhà Kình như một cái tát vả vào mồm những kẻ nào còn chưa tin.
 
Chuyện đang rất nóng hổi hiện nay là bệnh cúm Corona ở bên Tàu. Người ta dựa vào cái cốt chuyện đó rồi thêu dệt thêm đủ thứ chuyện với mục đích là gây hoang mang trong dân chúng. Tôi chỉ mong cái bệnh cúm đó nó vận ngay vào mấy đưa tung tin thất thiệt để chúng biết thế nào là lễ độ.
 
Hãy nhớ một lời dạy của tổ tiên: “Gieo gió thì gặt bão!”./.
 
Hình trong bài: (1) Mẹ con nhà cò; (2) Mò cua bắt ốc.
Ngày 30/1/2020
Ph. T. Kh.
Bắt cua

Add a Comment

Your email address will not be published.