TẬP QUYỀN VÀ TẢN QUYỀN.

CSB Việt Nam
TẬP QUYỀN VÀ TẢN QUYỀN.
 
Rất tiếc là tôi không được học triết học nên không biết phân tích cho ngọn ngành để đáp lại những bậc trí giả trong và ngoài nước, nói rằng độc đảng là độc tài.
 
Vậy thì cứ theo lịch sử nước nhà mà xét, nước ta đã có hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến tập quyền, tức là toàn bộ quyền hành trong một đất nước tập trung vào MỘT ông vua, một gia đình hay một dòng họ. Các dòng họ tìm cách lật đổ nhau, dòng họ này kế tiếp dòng họ khác. Cho nên nước ta mới trải qua Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê… cuối cùng là họ Nguyễn. Thậm chí người trong một gia đình còn lật đổ nhau nữa.
 
Một khi quyền hành tập trung vào MỘT NGƯỜI thì khi đó ta mới gọi là độc tài. Còn như dưới chế độ cộng sản thì quyền hành thuộc về nhân dân, đảng Cộng sản chỉ là NGƯỜI ĐẠI DIỆN cho dân để quản lý đất nước, đảng không có quyền lợi nào khác. Vì thế không thể gọi là độc tài.
 
Có chăng ta gọi chính quyền dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản là DÂN CHỦ TẬP QUYỀN. Tức là quyền điều hành đất nước tập trung vào bộ máy quản lý trung ương, dưới sự giám sát của quốc hội, tức là những đại diện của dân. Còn hình thức quản lý của nước Mỹ tôi không hiểu, song tôi nghĩ đó là hình thức quản lý DÂN CHỦ TẢN QUYỀN.
 
Vậy tập quyền và tản quyền, thứ nào tốt hơn? Tôi không nói được. Song, theo tôi nghĩ tùy điều kiện của mỗi quốc gia mà ta định ra chế độ tập quyền hay tản quyền.
 
Việt Nam là một nước bị thực dân đô hộ, sau hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến, là một nước nghèo và kém phát triển, nguồn lực chẳng dồi dào, lại phải trải qua nhiều năm chiến tranh chống xâm lược, nếu quyền hành không tập trung vào một đầu mối thì sẽ không thể xử dụng nguồn lực ít ỏi một cách có hiệu quả. Cứ lấy kết quả của cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chống dịch covid 19 vừa qua thì thấy rõ.
 
Một đất nước với nguồn lực hạn chế mà lại gặp nạn “Mười hai sứ quân” như đã xảy ra trong lịch sử nước nhà, liệu có thể thành công trong cuộc chống các kẻ thù mạnh nhất thế giới? Ngày xưa, chúng ta thấy có nhiều gia đình, dưới một mái nhà có ba bốn thế hệ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhau, đó là chế độ tập quyền. Nhà đã không khá giả mà đứa con này đòi chia, đứa con nọ đòi lấy thì cứ nghèo mãi thôi.
 
Tóm lại, trong một đất nước không rộng, nguồn tài lực hạn chế thì dân chủ tập quyền sẽ giải quyết các cuộc khủng hoảng như chiến tranh, dịch bệnh tốt hơn, nhanh hơn.
 
Vừa qua quốc hội nước ta có những quyết sách mới tăng quyền chủ động cho một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, theo tôi, đó cũng là giải pháp để thực hiện một phần dân chủ tản quyền. Điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tản quyền ở nước ta là kỷ luật của đảng Cộng sản. Dù anh đứng đầu một địa phương, song vẫn là đảng viên và kỷ luật của đảng, anh vẫn phải chấp hành. Nếu là đa đảng thì khác.
 
Trái với dân chủ tập quyền là dân chủ tản quyền. Nước Mỹ giàu, mạnh và rộng lớn nên họ thực hiện chế độ DÂN CHỦ TẢN QUYỀN. Bộ máy quản lý nhà nước chỉ tập trung vào một số lãnh vực mà hiến pháp quy định, còn lại phân cấp mạnh mẽ xuống các bang, các tiểu bang, kể cả quyền hành và tài lực. Chỉ có nước Mỹ mới thực hiện như vậy, các nước phương tây khác chủ yếu cũng vẫn là DÂN CHỦ TẬP QUYỀN.
 
Chính vì chế độ tản quyền, nên khi đất nước có những chuyện lâm nguy như đợt chống dịch vừa qua, đã xuất hiện “ông chẳng bà chuộc”, “trên bảo dưới không nghe”, dẫn đến công cuộc chống dịch kém hiệu quả, mặc dù nguồn lực của nước Mỹ còn rất mạnh.
 
Ở nước Mỹ, chẳng làm gì có đa đảng thực chất. Chỉ có hai đảng thay nhau cầm quyền, mỗi đảng đại diện cho một tầng lớp tư bản nào đó. Vì thế mới có chuyện đảng nọ đánh phá đảng kia, bất chấp lợi ích của đất nước hay của dân chúng. Còn các đảng khác chỉ có cái danh để tô điểm cho cái mác dân chủ thêm màu sắc cho bắt mắt mà thôi. Hãy xét cho kỹ, “đừng thấy đỏ ngỡ chín”!
 
Hình trong bài: (1) Tàu cảnh sát biển VN; (2) Đã khỏi bệnh.
Ngày 19/6/2020
Ph. T. Kh.
Corona

Add a Comment

Your email address will not be published.