CÁI SỰ LẠC QUAN CỦA DÂN MÌNH

Bạch dạ
CÁI SỰ LẠC QUAN CỦA DÂN MÌNH
 
Bất cứ ai đến Việt Nam, đến từ bất cứ phương trời nào đều có chung một nhận xét, ấy là người Việt sống rất lạc quan. Cái đó thì đúng, thế mới tồn tại được qua hàng thế kỷ chiến tranh và đói khổ.
Chẳng khác gì loài lan Spathoglottis sau một đợt phun trào của núi lửa Krakatoa ở mấy hòn đảo trên Thái Bình Dương, nham thạch đã hủy diệt hết các loài thực vật khác, duy chỉ có giống lan này, khi mọi thứ qua đi, chúng lại mọc lên trên vùng đất ấy.
 
Ở Đồng Tháp mười, vùng đất nam bộ của nước ta, có giống lúa “ma”, cũng có sức sống mãnh liệt như vậy, sau mỗi mùa gặt, những chồi non trên từng gốc rạ, gặp được mùa nước nổi thế là chúng nảy mầm, vươn lên thành cánh đồng lúa. Dân mình chỉ việc chèo ghe ra mà gặt khi hạt lúa đã chín.
 
Chỉ vậy thôi cũng đủ nói lên tính lạc quan của người Việt. Còn bọn xâm lược thì không thể hiểu nổi vì sao chúng ta lại thắng chúng, mặc dù chúng giàu hơn ta, mạnh hơn ta, khỏe hơn ta, sung sướng hơn ta… Chúng chỉ thua ta ở cái sự lạc quan, từ lạc quan thì tin tưởng, từ tin tưởng thì khổ mấy cũng chịu được.
 
Thôi, mấy điều nói trên nghe có vẻ nghiêm chỉnh quá, bây giờ ta nói sang khía cạnh khác của cái sự lạc quan của dân ta cho vui.
 
Có lẽ không nước nào mà có nhiều người làm thơ như ở nước ta đâu nhỉ? Bữa trước tôi có phân loại những người làm thơ thành “nhà thơ” (nhà to hay nhỏ, cao hay thấp, ta gộp chung là ‘nhà’), chứ thực ra không thể đánh đồng mấy cây đa cây đề về thơ ca như cụ Nguyễn Du với mấy nhà thơ hiện đại được. Dưới “nhà thơ” có “quán thơ”, “lều thơ”, đứng chót bảng là các “chòi thơ” như tôi chẳng hạn.
 
Những người đạt danh hiệu “chòi thơ” như tôi thì có đem ra chém bảy ngày cũng không hết. Người Việt ta cứ gọi là người người làm thơ, nhà nhà sáng tác thơ. Vì cái tội “văn mình vợ người” nên cứ viết được bài nào là cũng tâm đắc lắm, cứ tưởng mình là những con tằm đang nhả tơ để làm đẹp cho đời.
 
Chỉ riêng cơ quan tôi có hơn trăm người mà đã có đến ba “nhà thơ” (kể cả tôi). Ấy là không kể các đồng nghiệp khác mà tôi chưa được hân hạnh làm quen. Tôi và ba anh bạn, có thời làm việc cùng một cơ quan, một anh sau khi nhà xuất bản nọ in xong cho anh tập thơ thì anh viên tịch. Tôi cất cuốn thơ anh tặng làm một vật kỷ niệm. Anh thứ hai, cũng bỏ ra ối tiền để in cho mình tập thơ để đời. Đặc biệt là cứ mỗi lần gặp mặt các cụ hưu trí là thế nào cũng được nghe anh đọc thơ. Có bữa tôi suýt hóc xương gà vì mải đắm chìm trong hồn thơ của anh. Anh thứ ba đúng là một nhân tài. Một năm có 365 ngày thỉ tôi nhận được đủ bằng ấy bài thơ của anh gởi qua messenger đôi khi còn kèm theo ảnh.
 
Một hôm tôi đang say sưa với bài thơ của bản thân mình thì nhận được bài thơ của anh, đọc hai bài thơ một lúc, tôi tính đi tự tử, vì nghĩ rằng, “tại sao trời đã sinh ra mình lại còn sinh ra anh ta!”. Hai cái “chòi thơ”, lại sinh cùng thời, ông trời sao lại oái oăm thế? Tức cảnh tôi liền viết bốn câu thơ để đáp lại tấm thịnh tình của anh:
 
Tôi và anh, những “chòi thơ”
Nghĩ suy, suy nghĩ vẩn vơ trong đầu
Đọc thơ anh, lúc ngồi cầu
Tõm rơi một cái, trong đầu trống trơn.
 
Hay không? Hay quá đi ấy chứ! Tôi nói thật, nếu tôi mà hứng lên thì các bạn của tôi trên “phây” không còn thời gian mà suy nghĩ thứ gì khác, ngoài việc ngẫm nghĩ về những vần thơ của tôi. Nhưng vì sợ các bạn hủy kết bạn với tôi thì còn ai mà thưởng thức các bài thơ tôi viết nữa, nên thôi, phải tự kìm hãm cái sự lạc quan của mình lại!./.
 
Ngày 13/10/2021
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.