Cách chăm sóc địa lan (Cymbidium) sau khi đem về

Cách chăm sóc địa lan

Cách chăm sóc địa lan sau khi đem về.

Khi đi mua địa lan để trồng dù là cây đã ra hoa hay cây còn nhỏ đều phải làm rõ lai lịch để biết cách chăm sóc địa lan. Địa lan cần hoàn chỉnh, nhiều lá, lá tươi, thân già phình to, sinh trưởng khỏe. Cây trồng trong chậu nên chọn cây già tươi tốt, không phải cây mới trồng, cũng không phải tàn lụi hoặc đã lâu chưa phục tráng. Không mua những cây yếu, cây bệnh, trần trụi và lai lịch không rõ ràng, do vậy khi mua phải xem xét kỹ thân, lá và hoa để có thể dễ dàng có cách chăm sóc địa lan sau khi đem về.

Xem thêm:

Bộ rễ của lan phải hoàn chỉnh khỏe mạnh, rễ choán đầy chậu, nếu thấy rễ có mầu đen, cỏ nấm mốc thì cây địa lan đó không tốt. Phần rễ ngoài chậu phải có mầu xanh, không biến thành mầu đen, không sâu bệnh. Nếu như rễ cây địa lan đã bò ra ngoài, chứng tỏ chậu địa lan quá nhỏ mà chưa đổi chậu. Nếu như một bộ phận của rễ chuyển sang màu vàng, tức là cách chăm sóc địa lan chưa đúng, như tưới nước quá nhiều hoặc đọng nước tổn thương đến rễ hoặc giá thể quá chua, cần phải thay chậu, thay giá thể. Thân giả phải to khoẻ, dày, màu xanh, thân giả có hơi tróc vỏ cũng không sao. Nhưng đặc biệt không được có mầu đen, thối rữa và sâu cắn, không có nấm bệnh ký sinh. Hoa chính là bộ phận chính của địa lan nên phải xem xét kỹ lưỡng, loài địa lan tối thiểu phải có 10 bông, loài nhiều hoa có 20-30 hoa. Có rất nhiều giống địa lan, mầu hoa đa dạng, có mầu đỏ, phớt đỏ, tím đỏ, xanh, vàng, trắng… tùy theo ý thích của từng người mà chọn, cần chú ý đến màu sắc và hình dáng của hoa, tiếp đến là số lượng của hoa và cành hoa khoẻ mạnh, cánh hoa dầy, tầng cutin óng ánh, hoa tươi sáng, đẹp.

Cách chăm sóc địa lan: Nơi trồng địa lan và thiết bị

Điều kiện trồng hoa lan ở gia đình có thể cải tạo để nuôi trồng lan hoặc làm giàn che nắng cho lan hoặc tạo phòng ẩm nhỏ. Thiết bị chỉ cần một máy làm ẩm và máy hút không khí. Thực tế chỉ cần chỗ nào thông thoáng khí, có ánh sáng là được không nên để mưa rơi thẳng vào chậu và sử dụng một số biện pháp chọn chậu, chọn đất, phòng sâu bệnh sẽ có được cây khỏe mạnh và hoa nhiều.

Khi trồng lan trên giàn thì cần đủ ánh sáng và thông thoáng, nhưng vẫn có nhược điểm là không khí khô giữ ẩm khó. Nên làm giàn hướng Đông, cũng có thể chọn hướng Nam. Đặt hướng Đông, cây được tiếp xúc với ánh nắng ban mai, lại tránh được nắng chiều, đặt hướng Nam phải cải tạo một chút như giá đặt chậu thò ra ngoài cho thông thoáng vừa tránh được nhiệt độ bức xạ của tường, giá hoa ở phía Tây cần che nắng bằng lưới, bằng tre nứa, buổi chiều 4 giờ lại phải gỡ ra, buổi sáng 9 giờ đưa giàn che lên. Trên giàn đặt chậu đựng đầy nước. Mùa hè cần dội nước lên ngói kê chậu, tạo độ ẩm phù hợp với địa lan, đồng thời kết hợp dùng giá thể tơi xốp giữ ẩm tốt cho lan, tưới nước cho lan đúng lúc và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lan theo định kỳ như vậy địa lan sẽ nhiều hoa lá. Nếu như có điều kiện có thể làm phòng ẩm, giàn che lớn hoặc nhà trồng lan thỏa mãn yêu cầu sinh trưởng của hoa lan. Phòng ẩm có thể là kính ni lông PC hoặc sợi xenlulo. Làm bằng kính chiếu sáng tốt, bền và dễ bảo vệ nhưng giữ nhiệt kém. Tấm PC hoặc sợi xenlulo, giữ nhiệt tốt, nhưng chiếu sáng kém, hơn nữa cũng dễ hỏng do nắng và mưa acid. Trong phòng có thể dùng lưới che nắng 1-2 lớp, sao cho độ chiếu sáng từ 7,000-30.000 lux là thích hợp, các tấm lưới có thể di chuyển một cách dễ dàng, tiện cho việc điều tiết ánh sáng. Trong phòng cũng cần có quạt và hệ thống phun nước tự động, bóng điện và thùng chứa nước. Quạt có tác dụng làm cho không khí lưu thông và giữ nhiệt trên bề mặt lá, vị trí lắp quạt nên cách cây lan 30-35 cm, tốc độ gió duy trì 1,2 m/giây. Quạt đẩy gió làm tăng thêm sự trao đổi không khí trong và ngoài, không khí đối lưu tốt hơn, tần suất 3-5 phút thay đổi không khí một lần. Máy phun mù chủ yếu làm thay đổi độ ẩm, giảm nhiệt độ, thường là được phối hợp với những thiết bị khống chế độ ẩm hoặc là phun theo thời gian quy định, có thể đặt máy phun mù dưới giá hoặc giữa lối đi. Thiết bị khống chế độ ẩm là loại máy phun mưa tự động đóng mở, nên lắp ở phía trên lá của hoa lan với cự ly 50-100 cm, tốt nhất là chỗ mà quạt có thể thổi đến. Hệ thống phun nước tự động phần lớn lắp trên giàn để tránh ống dẫn đọng nước. Có thể lắp thêm bóng đèn để duy trì độ chiếu sáng khoảng 7.000 lux trong phòng, mỗi ngày phải được chiếu trên 5 giờ, cần chú ý không để ánh sáng tập trung chiếu một chỗ, làm tăng nhiệt độ cục bộ.

Cách chăm sóc địa lan: Chậu hoa và giá thể

Địa lan thuộc loại cây cao to, rễ phát triển mạnh, sinh trưởng nhanh, nên thường phải dùng loại chậu có lỗ dưới đáy và xung quanh và độ lớn phù hợp, hình dáng chất lượng hài hoà, thoát khí, thoát nước tốt. Chậu mới phải ngâm cho thấm nước, chậu cũ phải rửa cho sạch sẽ. Có người cho rằng nên dùng chậu to và chứa nhiều giá thể, như vậy sẽ chứa nhiều dinh dưỡng, thực tế đây là nhận thức sai. Đúng là chậu to sẽ chứa được nhiều giá thể, nhưng do hàng ngày, cách chăm sóc địa lan rất phức tạp, tưới ít nước giá thể không đủ ẩm, tưới nhiều dễ bị thối rễ. Cách chăm sóc địa lan tốt nhất là đặt cây vào chậu ướm thấy vừa bộ rễ là được. Sự hài hòa giữa chất lượng và hình dáng là chậu phải thông thoáng, thẩm thấu tốt, chậu cao, miệng hơi rộng, đáy nhỏ. Trong thực tế thường dùng chậu đất nung thoát nước, thông khí tốt nhưng không đẹp, không sạch, nếu dùng nhiều lần khó tiêu độc, nặng, dễ vỡ và khó vận chuyển đi xa. hơn nữa thành chậu dễ hấp thụ nhiệt, dễ làm tổn thương rễ bởi vì rễ cây lan sau khi trồng nhiều năm thường bám vào thành chậu. Chậu nhựa là loại được dùng nhiều trong những năm gần đây, giá rẻ, sạch sẽ và đẹp, thoát nước, thoát khí nhưng đồ nhựa dễ bị lão hóa nhanh. Chậu sành sứ nhất là loại chậu giữ ẩm tốt, thoáng khí, ít dẫn nhiệt, bên trong sạch sẽ, mầu sắc đẹp, mỹ quan dùng để trồng lan tốt nhưng giá hơi cao.

Giá thể là phần rất quan trọng của trồng lan. Những vật chất thường dùng để trồng địa lan là rêu tươi, hạt sứ, vỏ dừa, gỗ mục, gạch vỡ, vỏ cây, than củi, than trân châu. Rêu tươi, rêu nước có khả năng hút nước tốt, tơi xốp. Trước khi dùng đem ngâm nước 24 giờ sau đó vắt kiệt nước. Nên trộn lẫn rêu tươi với gạch vỡ để đạt hiệu quả cao. Nhưng rêu chóng mục và thường chỉ dùng được 2 năm phải thay giá thể khác. Hạt sứ thường làm từ đất có lỗ như tổ ong, thường có mầu xám đỏ, nhiều kích cỡ không lẫn tạp khuẩn, giữ được nước, thông thoáng khí, thấm nước, tạo môi trường tốt cho rễ sinh trưởng, không có hiện tượng làm thối rễ. Hạt sứ thấm nước rất tốt, khả năng giữ nước trung bình, dùng nó để trồng lan, không sợ rễ bị thối, khi thấy hạt sứ bên trên bạc trắng phải tưới nước ngay. San hô thuộc loại trung tính giữ được nước và dinh dưỡng có thể dùng nhiều lần. Các loại vỏ cây khác như: Nhãn, vỏ thông đỏ, cần phải cắt thành khoanh tròn đường kính 0.5 – 1.5 cm, chia thành 3 loại; to, vừa và nhỏ. Trước khi sử dụng phải đem ngâm nước 2-3 ngày, vỏ cây được ngâm nước có khả năng hút nước tốt, có lỗ hổng to, nên rất thích với sinh trưởng của địa lan, có thể dùng được 3 – 4 năm. Ngoài ra cũng có thể dùng ngói vỡ, than củi, gạch vỡ có đường kính 0,5 – 1,5 cm hoặc đem trộn với rêu tươi, vỏ cây hoặc dùng riêng cũng được. Giá thể cho trồng lan tại gia đình thường là trộn mùn với vỏ dừa theo tỷ lệ 40 – 50% vỏ dừa, 30% rêu tươi, 30% đá hoặc 40% vỏ dừa, 40% than bùn* 20% đá dăm. Tất cả các loại giá thể trước khi dùng phải điều chỉnh pH = 5,5 và khử trùng hoặc đem phơi nắng vài ngày hoặc khử độc bằng hơi nước hoặc phun thuốc khử trùng, sau khi phun dùng ni lông đậy kín lại 1-2 ngày và sau 10 ngày có thể dùng được, cũng có thể dùng chất diệt khuẩn Fooc ma lin nhưng phải để 15 ngày sau mới dùng được hoặc đưa vào nhà đông lạnh để diệt khuẩn khử trùng khoảng một tuần lễ trong nhiệt độ thấp. Rêu tươi là vật thể sống cho nên không được xử lý bằng khử trùng.

Năm 2006, Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã nghiên cứu một số loại giá thể cho trồng địa lan. Kết quả đã thu được như sau:

Ảnh hưởng của giá thể đến khả năng đẻ nhánh của địa lan

Vỏ tách nhựa TQ

– Số nhánh mới = 17.
– Số giả hành mẹ = 19.
– Tỷ lệ đẻ nhánh = 0,89.

Vỏ tách nhựa VN

– Số nhánh mới = 16.
– Số giả hành mẹ = 19.
– Tỷ lệ đẻ nhánh = 0,84.

Vỏ chưa tách nhựa

– Số nhánh mới = 12.
– Số giả hành mẹ = 18.
– Tỷ lệ đẻ nhánh = 0,67.

Vỏ thông được tách nhựa đã ảnh hưởng tốt đến khả năng đẻ nhánh của địa lan bởi vì trong vỏ không còn chứa dầu thông, làm cho chất dinh dưỡng và nước thẩm thấu vào vỏ thông và được vỏ giữ lại cung cấp cho lan sinh trưởng.

Trong khi đó đối với vỏ thông chưa được tách nhựa thì nhựa thông đã ngăn cản sự hấp thụ nước và dinh dưỡng là nguyên nhân làm lan sinh trưởng kém. Cây địa lan ở vỏ thông tách nhựa đã có tỷ lệ đẻ nhánh cao hơn hẳn lan chưa tách nhựa, nhưng giữa hai loại giá thể được xử lý tách nhựa cây địa lan có tỷ lệ đẻ nhánh tương đương nhau do vậy hoàn toàn có thể sử dụng vỏ thông của nước ta đã qua tách nhựa làm giá thể cho địa lan. Việc xử lý tách nhựa khỏi vỏ thông làm tương đối đơn giản, bằng cách cho vỏ thông vào hấp cách thủy trong thời gian 6 giờ, nhiệt độ cao và hơi nước sẽ làm cho nhựa trong vỏ thông bay hơi, tạo ra vỏ thông có khả năng hấp thụ tốt nước và dinh dưỡng để cung cấp cho hoa lan.

Ảnh hưởng của giá thể đến tăng trưởng chiều cao của địa lan

Vỏ tách nhựa TQ

– Tháng 2 = 8,6 cm.
– Tháng 3 = 14,4 cm.
– Tháng 4 = 21,9 cm.
– Tháng 5 = 33,8 cm.
– Tháng 6 = 46,1 cm.

Vỏ tách nhựa VN

– Tháng 2 = 8,4 cm.
– Tháng 3 = 14,3 cm.
– Tháng 4 = 20,6 cm.
– Tháng 5 = 33,2 cm.
– Tháng 6 = 45.7 cm.

Vỏ chưa tách nhựa

– Tháng 2 = 8,2 cm.
– Tháng 3 = 13,7 cm.
– Tháng 4 = 19,6 cm.
– Tháng 5 = 28,2 cm.
– Tháng 6 = 39.5 cm.

Qua số liệu thu thập được cho thấy sự khác biệt về chiều cao giữa các công thức vỏ thông đã được xử lý với công thức vỏ thông chưa qua xử lý.

Ảnh hưởng của giá thể đến tăng trưởng bộ lá địa lan

Vỏ tách nhựa TQ

– Tháng 3: Dài = 6,6 – Rộng = 1,3.
– Tháng 4: Dài = 14,6 – Rộng = 1,5.
– Tháng 5: Dài = 24,5 – Rộng = 1.6.
– Tháng 6: Dài = 35,7 – Rộng = 1,7.

Vỏ tách nhựa VN

– Tháng 3: Dài = 6,7 – Rộng = 1,3.
– Tháng 4: Dài = 14,8 – Rộng = 1.5.
– Tháng 5: Dài = 24,3 – Rộng = 1,6.
– Tháng 6: Dài = 36,0 – Rộng = 1.7.

Vỏ chưa tách nhựa

– Tháng 3: Dài = 5,8 – Rộng = 1.2.
– Tháng 4: Dài = 12,9 – Rộng = 1.3.
– Tháng 5: Dài = 20,2 – Rộng = 1,4.
– Tháng 6: Dài = 30,3 – Rộng = 1.5.

Qua bảng số liệu cho thấy sử dụng giá thể vỏ thông chưa qua xử lý có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với hai công thức sử dụng vỏ thông đã qua xử lý. Như vậy việc rút tách nhựa vỏ thông trước khi dùng làm giá thể cho địa lan là cần thiết cho cây và giá thể do Việt Nam rút tách nhựa có khả năng thay thế giá thể vỏ thông Trung Quốc.

Cách chăm sóc địa lan: Trồng vào chậu và thay chậu

Cây địa lan trước khi đem trồng phải đem rửa sạch và khử trùng, cắt tỉa. Cây địa lan được rửa bằng nước sạch, chờ cho ráo nước rồi cắt đi thân giả không lá, rễ bị bệnh, cây cong, rễ quá già vàng khô, lá bệnh và những bẹ lá khô. Cây địa lan sau khi mua về bao giờ cũng có thân giả không lá, nếu như 1-2 cây mọc liền nhau, hãy chọn giữ lại 1-2 thân giả tươi không lá. Nếu là 3 cây mọc liền nhau hãy cắt bỏ toàn bộ thân giả không lá. Khi cắt tránh làm tổn thương đến mầm và chóp rễ, các bộ phận cắt bỏ ra cần gom lại đem đốt để phòng lây lan bệnh. Sau khi cắt tỉa đưa vào khử trùng, tùy từng điều kiện mà chọn loại thuốc, phương pháp và cách chăm sóc địa lan phù hợp, có thể dùng loại thuốc diệt nấm như Benlate, Ridomil 0,1% để ngâm rễ khoảng 10 – 15 phút, cũng có thể ngâm bằng thuốc tím 0,1%, sau 10 – 15 phút đem rửa bằng nước sách, để ráo nước đem trồng. Đối với cây địa lan bị bệnh, đem ngâm khoảng 120 phút vào dung dịch thuốc khử trùng. Nếu có côn trùng ký sinh vào đem ngâm vào thuốc trừ sâu dễ diệt trứng, diệt sâu.

Nếu như thấy có vết bệnh hoặc nghi ngờ có bệnh phải xử lý trước khi trồng. Sau khi xử lý thuốc bảo vệ thực vật phải rửa bằng nước sạch để ráo nước đem trồng.

Căn cứ vào độ lớn của cây địa lan mà chọn chậu có miệng chậu và độ cao thích hợp, số lỗ thoát nước ở đáy chậu, thành chậu phải đảm bảo thoát nước và không khí lưu thông. Lỗ thoát nước ở dưới đáy được đậy bằng một miếng ngói to, sau đó đưa các giá thể có kích cỡ to vào trước (1 – 1,5 cm) với độ cao bằng 1/4 – 1/3 độ cao của chậu, cho dễ thoát nước. Các lỗ bên cạnh có thể dùng vỏ cây, rêu…nhét vào, rồi đưa giá thể có kích cỡ nhỏ vào ở giữa cao hơn và xung quanh thấp hơn. Sau đó đặt cây địa lan giống vào, tránh cho rễ tiếp xúc với thành chậu mà được trải ra, một bên thân giả già đặt dựa vào thành chậu, phía có mầm non quay vào giữa chậu, để có không gian cho cây mọc sau 3 năm. Nếu như có nhiều thân giả và có một mầm trở lên, hãy cố gắng đặt thân giả vào giữa, mầm non xoay ra phía ngoài, khi đã đặt xong cây giống tiếp tục đưa dần giá thể vào trong chậu, cho đến độ cao nhất định, có thể nhấc nhẹ cây giống lên vỗ nhẹ vào thành chậu làm giá thể nén chặt xuống, rễ được trải ra. Làm như vậy vài lần cho đến khi giá thể lấp hết 1/3 thân giả mới thôi, tiếp đó dùng tay ấn nhẹ xuống để cho giữa chậu cao hơn xung quanh một chút. Không nên trồng quá dày, làm cho thân giả bị chết ngạt và mầm non bị chết úng. Thông thường sau khi trồng xong cần phủ một lớp rêu hoặc sỏi trên mặt chậu, giữ cho mặt chậu sạch sẽ và không bị ô nhiễm khi tưới nước. Cây trồng xong được đặt ở chỗ có ánh sáng tán xạ với nhiệt độ 20-25°C, không thể quá cao hoặc quá thấp. Việc tưới nuớc sau khi trồng phụ thuộc vào kích cỡ và trạng thái ẩm của giá thề, nếu như giá thể nhỏ ẩm ướt thì không cần tưới nước, chỉ cần dùng bút lông quét sạch bụi trên lá, sau một tuần thì tưới ít nước và trên nguyên tắc giữ cho cây không bị khô, chờ đến khi nào nẩy mầm và rễ dài 2-3 cm thì chính thức tưới nước. Nếu tưới quá sớm sẽ làm cho cây bị thối. Nếu gặp thời tiến oi bức, có thể phun nhưng không được để nước chảy vào giữa lá. Nếu như giá thể bị khô sau khi trồng phải tưới nước ngay và tưới cho đẫm. Nếu rễ của cây còn ít quá, sau khi trồng khó giữ được chắc và bị đồ do gió, rễ non và mầm non dễ bị tổn thương nên phải làm giàn để buộc cây vào. Sau trồng 3 năm nếu như cây quá to, nhiều rễ giá thể bị mục nát phải thay chậu ngay.

Thời vụ trồng địa lan không nghiêm ngặt, nhưng thay chậu và tách cây nên làm vào mùa Đông Xuân, sau khi hoa nở mầm non chưa nhú, ngoài ra có thề tiến hành vào mùa Thu. Ở thời kỳ này dinh dưỡng tương đối tập trung, cây có khả năng chống bệnh tốt, không ảnh hưởng đến đợt hoa về sau. Mùa hè nhiệt độ cao cây địa lan dễ bị rữa nát mùa Đông cây phục hồi chậm, không phù hợp cho thay chậu và tách cây. Khi thay chậu cần nhẹ nhàng đặt nghiêng chậu để lấy giá thể ra khỏi chậu lan. Nếu như cây lan đã trồng nhiều năm, rễ mọc đầy chậu, không thể lấy cây ra được, chỉ có cách đập nhẹ để cho vỡ chậu, lấy cây ra tránh làm tồn thương rễ. Cây địa lan sau khi đưa ra khỏi chậu gỡ bỏ giá thể chú ý không làm tổn thương mầm, rễ và nhất là chóp rễ. Nếu như giá thể bám quá chặt có thể đem xối nước sau đó mới cắt tỉa, tách cây. cắt bỏ rễ thối, cong, gãy hoa sót lại lá khô lá bệnh và thân giả không lá. Nếu như thân giả còn chắc mập vẫn còn mầm ngủ có khả năng nẩy mầm, có thể giữ lại đưa vào phòng ẩm để thúc mầm. Sau khi cắt tỉa xong đưa cây vào khử trùng. Các vết cắt có thể dùng lưu huỳnh, bột than củi bôi khử trùng. Rễ cây lan sau khi xử lý và rửa rễ bị gẫy cho nên chưa thể trồng ngay được mà đưa vào chỗ râm mát cho nước, khi nào rễ mầm ra dễ uốn hãy đem trồng. Cây sau khi trồng đưa vào chỗ râm mát, hạn chế tưới nước mà chỉ phun nước vào lá. Lượng nước tưới và ánh sáng được tăng dần cùng với sự sinh trưởng của cây, đồng thời bón phân định kỳ bảo đảm dinh dưỡng cho nhu cầu sinh trưởng.