Bón phân như thế nào là đúng cách khi trồng địa lan
Địa lan là loại hoa lan rất cần nhiều chất dinh dưỡng, nó cũng như nhiều loại cây trồng khác là cần có các nguyên tố đa lượng như đạm, lân, kali, lưu huỳnh canxi magiê, hydro cacbon, oxy và các nguyên tố vi lượng như Fe, Mg, Zn, Cu, Mo, Bo… Trong đó các nguyên tố như C, H, O được lấy từ không khí, các chất khác phải được bổ sung từ bên ngoài. Bởi vậy, kỹ thuật trồng địa lan trong việc bón phân cho hoa lan hợp lý là rất cần thiết, nó làm cho cây sinh trưởng nhanh, khỏe mạnh và cho nhiều hoa mầu sắc rực rỡ… Bón quá nhiều phân dẫn đến thối rễ, bón phân không đủ phát sinh rất nhiều bệnh dẫn đến cây sinh trưởng phát triển không bình thường.
Xem thêm: Các loại địa lan, bón phân cho hoa lan, kỹ thuật trồng địa lan
Tác dụng của các nguyên tố chính đến việc trồng địa lan và triệu chứng khi thiếu chất
Nguyên tố
– Đạm
+ Tác dụng: Là chất cấu thành protein diệp lục, men, đường, vitamin và chất ức chế sinh trưởng thực vật.
+ Triệu chứng khi thiếu chất: Sinh trường chậm, rễ dài nhưng ít rễ phụ, lá vàng, phiến lá hẹp, cứng, nếu nặng cố thể bị khô héo. Biểu hiện ở hầu hết các bộ phận của cây.
– Lân
+ Tác dụng: Là một trong những thành phần chủ yếu của acid hữu cơ, chất béo, một số loại men tham gia vào quá trình trao đổi chất, trao đổi năng lượng trong tế bào, thúc đầy ra hoa, kết quả, tăng khả năng chống chịu.
+ Triệu chứng khi thiếu chất: Lá nhỏ, mầu xanh sẫm, cây ít này mầm, ít rễ và ngắn, biểu hiện ở nhiều bộ phận của cây.
– Kali
+ Tác dụng: Là chất hoạt hóa của một số loại men, thúc đẩy sự trao đổi chất của protein, tăng sự kết dính của nguyên sinh chất và hiệu suất quang hợp, tăng sức chống chịu, chống đổ
+ Triệu chứng khi thiếu chất: Lá già, đuôi lá, mép lá bị vàng và khô, lá xuất hiện các đốm nâu lá non mềm, rễ ít và gầy yếu.
– Lưu huỳnh
+ Tác dụng: Là một trong những thành phần tạo thành protein, thúc đẩy sự sinh trưởng của cây lan
+ Triệu chứng khi thiếu chất: Biểu hiện cây sinh trưởng chậm, lá hẹp, cứng, màu vàng. Nghiêm trọng có thể dẫn đến khô héo và biểu hiện trên cá lá non lẫn lá già
– Magiê
+ Tác dụng: Là một trong những yếu tố tạo thành diệp lục và là chất hoạt hóa trong một số men, tăng khả năng chống chịu.
+ Triệu chứng khi thiếu chất: Thiếu Mg lá già bị vàng, gân xanh, thể hiện rõ màu xanh vàng.
– Kẽm
+ Tác dụng: Là thành phần của men trong cơ thể thực vật, có khả năng thúc đẩy quang hợp hô hấp và hình thành gluxit và diệp lục, tăng khả năng chống chịu.
+ Triệu chứng khi thiếu chất: Hiện tượng thiếu kẽm thường biểu hiện trên lá già, chất kích thích sinh trưởng trong địa lan giảm, lá non nhỏ, gân lá hóa vàng hoặc có những đốm nhỏ, hoặc có biểu hiện những vân đặc biệt.
– Canxi
+ Tác dụng: Canxi có khả năng làm cho nguyên sinh chất có dạng keo là một trong những nguyên tố cấu thành màng tế bào, thúc đẩy địa lan ra mầm non, tăng khả năng hút của rễ
+ Triệu chứng khi thiếu chất: Thiếu canxi lá non sinh trưởng kém, hoặc biến dạng, sức đề kháng kém, mặt dưới lá trắng, sau đó trở thành mầu nâu rồi khô chết, rễ non ngắn, nhỏ.
– Bo
+ Tác dụng: Bo thúc đẩy sự vận chuyển Gluxit, xúc tiến quang hợp, tăng khả năng chống chịu.
+ Triệu chứng khi thiếu chất: Thiếu Bo, cây ngừng sinh trưởng, điểm sinh trưởng chuyển dần thành mầu vàng và khô chết.
– Sắt
+ Tác dụng: Sắt là nguyên tố tạo thành nhiều loại men hô hấp của hoa lan, thúc đẩy sự hô hấp của cây
+ Triệu chứng khi thiếu chất: Thiếu sắt lá già biểu hiện bình thường, lá non vàng hoặc xanh nhạt.
– Mangan
+ Tác dụng: Mn có liên quan đến hoạt động của nhiều loại men, là chất hoạt hóa của men tham gia vào quang hợp, chuyển hóa đạm và gluxit và thúc đẩy quá trình oxy hoá
+ Triệu chứng khi thiếu chất: Thiếu Mn giống như thiếu sắt, lá vàng hoặc xanh nhạt.
– Molipden
+ Tác dụng: Mo có tác dụng tăng hút đạm, tăng hoạt tính của acid photphoric, và vận chuyển gluxit, tinh bột, giảm nhẹ sự mất màu xanh của cây do thừa Mg Zn Cu hoặc thiếu sắt trong giá thể.
+ Triệu chứng khi thiếu chất: Thiếu Mo giữa gân lá mất màu xanh, mép lá khô héo, thường xuất hiện đốm màu vàng hoặc màu da cam to nhỏ khác nhau.
– Đồng
+ Tác dụng: Là chất có tác dụng quan trọng đối với phản ứng oxy hóa, thúc đẩy sự hình thành của diệp lục, tăng tính chống chịu
+ Triệu chứng khi thiếu chất: Thiếu đồng cây bị mất màu xanh, mầm non bị chết, lá non héo, hoa không tươi, có mầu tối.
Phân bón dùng cho trồng địa lan gồm phân hữu cơ và vô cơ. Phân hữu cơ là loại phân tổng hợp có đầy đủ các nguyên tố đa lượng, trung lượng và vi lượng. Các loại phân hữu cơ thường dùng là khô dầu, khô hạt cải, khô hạt bông, hạt đay, bột cá, bột xương, than của xương… Các loại phân trên được hòa tan trong nước, lắng lọc rồi pha loãng 5-10 lần để sử dụng. Chẳng hạn như khô dầu được hòa tan vào nước nóng 8-10 lần, đậy nắp lại nguyên 20-30 ngày hoặc các loại phân hữu cơ có thể đem trộn với đất sét nặn thành viên để cho lên men, khô rồi nghiền thành bột tạo thành phân khô dễ sử dụng và an toàn. Người chơi lan có kinh nghiệm đưa hỗn hợp khô đậu, khô dầu, bột xương, bột cá nhạt, bã mía theo tỷ lệ 1:4:1:2:2 vào chum, đổ nước vào ngâm đậy nắp và dùng 2 lớp nilong bịt kín để trong bóng râm hoặc đặt xuống đất lấp đến 70% độ cao của chum và cứ 3 tháng mở ra đảo 1 lần, sau 1-2 năm sau sẽ lên men triệt để, đem phơi khô, cắt thành miếng và dùng bón cho lan.
Thành phần hữu hiệu của một số loại phân hữu cơ (%) giúp ích cho việc trồng địa lan
Loại phân
Khô đậu: Đạm (N) = 6-6,7 – Lân (P2O5) = 1-1,5 – Kali (K20) = 2-2,3
Khô dầu: Đạm (N) = 5-4,2 – Lân (P2O5) = 2-2,7 – Kali (K20) = 1 -1,2
Bột xương: Đạm (N) = 4-4,2 – Lân (P2O5) = 20-24 – Kali (K20) = 0
Bột cá: Đạm (N) = 7-8,2 – Lân (P2O5) = 5-63 – Kali (K20) = 0,3-0,5
Phân vô cơ còn gọi là phân hóa học: các phân hóa học thường dùng là Urê, Nitratkali (KNO3), CaO, sunfat magie (MgS04)…. dễ sử dụng, nhưng phải hết sức cẩn thận, tránh để rơi vào nõn lá, nhất là cây con làm thối lá. Những năm gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều loại phân hữu cơ thương phẩm hiệu quả tốt đối với cây hoa lan, nên được sử dụng rộng rãi.