ĂN ĐỂ MÀ SỐNG & SỐNG ĐỂ MÀ ĂN

March 1945

ĐÔI DÒNG TÂM SỰ

ĂN ĐỂ MÀ SỐNG & SỐNG ĐỂ MÀ ĂN

Người viết bài này, hồi còn “thanh niên trái tráng” chưa bao giờ có được cái cảm giác “sống để mà ăn”. Bạn không tin ư? Những bạn trẻ bây giờ được hưởng một cuộc sống vật chất đủ đầy (tương đối) thì thật khó mà hiểu được cái cảm giác “ăn để mà sống”.

Tôi kể bạn nghe về cuộc đời những người nghèo khổ của chúng tôi ngày xưa, để bạn biết, thời kỳ đó chúng tôi thèm ăn đến mức nào!

Tôi ra đời vào năm 1937, đến năm 1945 là vừa tròn 8 tuổi, đang ở cái tuổi ăn, tuổi ngủ. Thế mà cái nhu cầu “ăn” chưa bao giờ được thỏa mãn. Còn nhu cầu “ngủ” thì thừa thãi, vì chỉ có ngủ mới tạm thời quên đi cái đói. Đặc biệt là tháng Ba năm 1945, những người nông dân nghèo chúng tôi chỉ như những cái bóng vật vờ, phần lớn không đầu đường xó chợ thì cũng lê bước trên hè phố đâu đó, với một mục đích duy nhất là kiếm cái gì bỏ vào cái dạ dày trống rỗng. Cái tháng ngày của nạn đói đó gia đình tôi đã từng ăn cháo cám, thứ cám mà người ta nấu cho lợn ăn. Nhớ lại những ngày đó tôi đã viết:

…Bát cháo cám lẫn cát

Không dám nhai, nuốt thôi

Bao cảnh đời phiêu bạt

Mong một chút cơm rơi…

Thời đó, người nghèo như chúng tôi chiếm tới tám chín mươi phần trăm dân số. Cuộc cách mạng Tháng Tám nổ ra chính là vì con số tám chín mươi phần trăm này. Nhưng cũng có nhiều nhà giàu, nhiều nhà tư sản, địa chủ cũng tham gia kháng chiến hoặc ủng hộ kháng chiến, động cơ của họ lại là vì yêu nước, còn quyền lợi kinh tế của họ có khi bị mất, tối thiểu cũng bị giảm đi nhiều. Đó là sự hy sinh lớn lao của những nhà tư sản, địa chủ yêu nước. Còn mục tiêu của những người nông dân nghèo là dành lại ruộng đất để được ăn no, mặc ấm.

Chẳng phải mãi đến năm 1945 chúng tôi mới biết đến cái đói. Trước đó, đám trẻ con chúng tôi chỉ mong đến ngày giỗ, ngày tết, ngày mùa để có được chút cơm có thịt và là cơm trắng không độn ngô khoai. Tôi còn nhớ, đến mỗi kỳ giỗ tổ, cả họ xúm nhau vào làm cỗ, cúng bái xong thì được chia phần mang về. Nhà tôi có bốn nhân khẩu, song số đàn ông chỉ có hai, nên chỉ được nhận có hai phần (“nữ nhân ngoại tộc” mà!). Gọi là đi “việc họ”, nhưng mỗi người lại mang theo cái rổ hoặc cái rá, chờ ông trưởng tộc xướng đến tên thì cầm cái rá cái rổ chìa ra. Sân nhà thờ họ vang lên, đại loại: “Phạm Tiến Khoa, 2 xôi, 2 thịt, 2 xương, 2 lòng”. Sau mỗi tiếng xướng lên là từng loại thực phẩm được ném lẫn lộn vào cái rá cái rổ. Nhận xong phần, vội chạy về đưa cho mẹ, cho chị để chế biến, hai cục xôi và hai xiên lòng lợn luộc thì được phép chia nhau ăn ngay.

…….

Trẻ con bây giờ cứ bị cha mẹ ép ăn. Trên phương tiện truyền thông quảng cáo đủ loại thuốc kích thích cho trẻ ăn nhiều, rồi còn là thực đơn cho từng loại trẻ. Rồi ông bác sĩ này bảo không nên cho trẻ ăn nhiều thứ này, trẻ sẽ thành béo phì; bà bác sĩ nọ bảo không được cho trẻ ăn nhiều thứ kia, trẻ sẽ kém thông minh. Ngày còn nhỏ tôi chưa từng một lần thấy hình ảnh những đứa trẻ bị ép ăn như thế. Ôi chao, thế giới của những đứa trẻ hồi đó và thế giới của những đứa trẻ thời nay sao mà cách xa nhau làm vậy? Ngày xưa chúng tôi khổ vì không có gì để ăn, ngày nay chúng nó cũng khổ, nhưng là vì bị ép ăn nhiều thứ!

…….

Trẻ con đã thế, còn người lớn thì, ôi thôi! Cứ chiều xuống, quán xá nào cũng đông khách. Khách nhiều tiền thì vào nhà hàng sang, khách ít tiền thì vào quán xá lộ thiên ngoài sân, ngoài bãi. Rượu khui ra, bia mở ra bôm bốp. Ly chưa cạn thì đã được rót tiếp cho đầy… Đây chính là những nơi người ta “sống để mà ăn”. Ăn như thể ngày mai trái đất sẽ nổ tung, ngày mai sẽ không còn gì để ăn, nhưng rồi ngày mai lại vẫn thế. Người ta có chuyện vui – ăn và uống; người ta gặp chuyện buồn – cũng uống và ăn; hôm nay chẳng gặp chuyện gì vui hay buồn, rảnh rỗi thì lại – ăn và uống. Sống gấp như vậy cũng phải thôi, vì có khi chỉ bước ra khỏi cửa nhà hàng đã té nhào vì say, chẳng làm chủ được đôi chân, thể là chiếc ô tô trờ tới, hàng phố lại nghe thấy tiếng còi ô tô cấp cứu ò í e, ò í e. Người may mắn thì chết ngay; người kém may thì còn làm khổ người thân ít ngày nữa rồi mới chết; người bất hạnh nhất thì biến thành cái thân cây, gắn vào lỗ mũi cái ống để thở, cuộc sống thực vật bắt đầu từ đó. Thế, những người đó “sống để mà ăn” mà cũng có được hưởng lâu đâu. Ngày xưa người ta chết vì nghèo vì đói, ngày nay họ chết vì giàu vì no.

Cái sự “ăn để mà sống” và cái sự “sống để mà ăn” sao thấy dễ mà khó vậy thay!

Ph. T. Kh.

Tháng 1/2018

(Hình dưới: Nạn đói năm 1945)

 

Add a Comment

Your email address will not be published.