DẸP CON ĐEN CHO YÊN CON ĐỎ

Francis Garnier

DẸP CON ĐEN CHO YÊN CON ĐỎ

Dân gian truyền khẩu một bài văn tế do cụ Nguyễn Khuyến sáng tác, song vì thời ấy không có sách nào ghi chép lại nên bài văn tế này có một số phiên bản không hoàn toàn giống nhau. Ngày xưa tôi có nghe, nhưng tôi không hiểu. Ví dụ câu “dẹp con đen cho yên con đỏ”, tôi vẫn nghĩ rằng “con đen” tức là người dân Việt hồi đó, xuất xứ từ chữ “dân đen”, và “con đỏ” thì tôi hiểu là lính Pháp. Cũng câu đó, có nơi chép là “dẹp quân đen cho yên quân đỏ”, chữ quân ở đây là chỉ là quân Cờ Đen và quân Pháp; bài minh họa dưới đây thì lại chép là “dẹp Cờ Đen cho yên con đỏ”. Một phiên bản khác lại viết: “Ông định giết thằng đen; để yên con đỏ”.

Thôi thì tùy mỗi người nhớ được thế nào thì nhớ. Chỉ biết rằng, đây là một bài văn tế rất trào phúng, rất khinh mạn, rất coi khinh quân Pháp. Trong bài minh họa ở dưới thì lại ghi là “vâng lệnh quan trên”, nhưng theo trí nhớ của tôi thì câu đó lại là: “Nay, tôi vâng lệnh triều đình…”.

Bỏ qua những chi tiết về bài văn tế đó, tôi muốn nói về những ghi chép của Giáo sư Nguyễn Thế Anh, từng là giáo sư sử học tại Sài gòn (1970), sau đó là giáo sư Giám đốc nghiên cứu trường Cao đẳng thực hành Sorbonne, Paris (Pháp) có liên quan đến cái chết của Francis Garnier.

Năm 1870, ở Pháp có nhiều chính biến, trong triều đình nhà Nguyễn ở Huế, chia làm hai phe, phe chủ chiến và phe chủ hòa. Phe chủ chiến muốn nhân cơ hội này, lấy lại đất Nam Kỳ nhưng Vua Tự Đức còn lưỡng lự. Bởi vì ở Bắc Kỳ khi đó đang bị đám giặc Thái Bình Thiên quốc, giặc Cờ Đen, Cờ Trắng, Cờ Vàng – một lũ giặc Tàu ô hợp, thời nhà Thanh, sang Việt Nam không theo đuổi một mục đích chính trị nào mà chủ yếu là để cướp bóc.

Quân Pháp thì muốn chiếm Bắc Kỳ để thông thương với các nhà buôn Pháp ở Trung Hoa. Vì vậy, năm 1873, Bá tước Chappedelaine, lãnh sự Pháp ở Quảng Đông đã gởi một báo cáo về Paris như sau:

“Ở Bắc Kỳ, quan lại Annamit bị thù ghét dữ dội. Không phải dùng đến 2000 người và bốn tuần dương hạm, mà chỉ cần vài tuần dương hạm cùng vài pháo hạm và một đại đội thủy quân lục chiến tới cửa sông Hồng Hà là đủ làm xứ Bắc Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp”.

Chính điều đó đã thúc đẩy Francis Garnier, được phái tới Bắc Kỳ để phân xử cuộc xung đột giữa các quan sở tại Việt Nam và thương gia Pháp là Jean Dupuis. Song đó chỉ là mục đích bề ngoài, thực chất Francis Garnier đến Bắc Kỳ là đòi chính quyền Việt Nam phải mở rộng sông Nhị (đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội) cho sự thông thương của người Pháp, người Tây Ban Nha và cả người Trung Hoa nữa. Tổng đốc Hà Nội là cụ Nguyễn Tri Phương, không chấp thuận và quyết chống lại quân Pháp. Nhưng do thế yếu, thành Hà Nội đã thất thủ vào ngày 20-11-1873, cụ Nguyễn Tri Phương phải tuẫn tiết. Francis Garnier chiếm được Hà Nội.

Trong khi đó, đám giặc Tàu ô lợi dụng sự tự do thông thương đã được thiết lập, chúng tràn vào thung lũng các con sông. Riêng giặc Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc tiến tới các tỉnh giàu nhất miền trung du. Chẳng bao lâu quân Pháp bị giặc Cờ Đen bao vây trong các thành lũy họ mới chiếm được, tình thế trở nên nguy kịch hơn khi Fracis Garnier bị quân Cờ Đen phục kích và giết chết vào ngày 21-12-1873.

Khi Francis Garnier (phiên âm ra tiếng Việt là Ngạc Nhi) chết, Tổng đốc Hà Nội là Trần Đình Túc, muốn nhân dịp này hòa giải với người Pháp nên đã tổ chức lễ truy điệu và sai cụ Nguyễn Khuyến soạn bài văn tế nói trên. Bài văn tế này không đọc mà chỉ truyền khẩu trong các quan nên ta dễ hiểu vì sao mà bị “tam sao thất bổn”. Dưới đây là một trong những phiên bản:

VĂN TẾ NGẠC NHI

Than ôi!
Một phút sa cơ, ra người thiên cổ.

Nhớ ông xưa:
Cái mắt ông xanh, cái da ông đỏ.
Cái tóc ông quăn, cái mũi ông lõ.
Đít ông cưỡi lừa, miệng ông huýt chó.
Ông đeo súng lục liên, ông đi giày có mỏ.
Ông ở bên Tây, ông sang bảo hộ.
Ông dẹp Cờ Đen, để yên con đỏ.

Nào ngờ:
Nó bắt được ông, nó chặt mất sỏ.
Cái đầu ông kia, cái mình ông đó.
Khốn khổ thân ông, đéo mẹ cha nó.

Tôi:
Vâng lệnh quan trên, cúng ông một cỗ.
Này chuối một buồng, này rượu một hũ.
Này xôi một mâm, này trứng một rổ.
Ông có linh thiêng, mời ông xơi hộ.
Ăn uống no say, nằm cho yên chỗ.
Ới ông Ngạc Nhi ơi! Nói càng thêm khổ!

Mời các bạn tham khảo.

Ngày thứ tám năm Mậu Tuất, 2018

Ph. T. Kh

(Hình bên: Francis Garnier, từ nguồn internet)

Add a Comment

Your email address will not be published.