LẠM BÀN VỀ NGÔN NGỮ

Ngôn ngữ
LẠM BÀN VỀ NGÔN NGỮ
 
Sau khi đăng lên trang nhà bài “Mỗi nhà mỗi cảnh”, có một bạn bảo tôi viết về ngôn ngữ vùng miền. Thế là bệnh ảo tưởng cho rằng cái gì minh cũng biết lại nổi lên, thế là viết.
 
Mong rằng, những ai đọc bài viết này thì cũng chỉ nên than một câu: “Cái ông già này lẩm cẩm thật”. Không nói lý luận nhé (vì có biết đâu mà nói), không nói về ngôn ngữ học nhé (vì biết đâu mà nói), tôi nói những gì tôi quan sát được thôi.
 
Không kể ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, thì tiếng Việt cũng có sự chuyển biến từ bắc vào nam . Giọng bắc chuẩn trước đây là giọng Hà Nội, tôi nói trước đây vì hiện do sự chuyển dịch kinh tế và dân số làm cho ngôn ngữ cũng pha tạp đi. Nhưng nếu ta lấy khởi nguồn là Nghệ An, cùng một từ, giọng Nghệ An có phần nặng, thí dụ “đi mô rựa?”, đến Hà Tĩnh đã nhẹ đi một chút, qua Quảng Bình, Quảng Trị nhẹ thêm chút nữa, đến Huế thì “nhẹ hều”, nhưng từ Quảng Bình đến Huế có vài vĩ âm lại biến mất như vĩ âm “h” trong “bình” thành “bìn”, “xanh xanh” thành “xăn xăn”. Phương ngữ Nghệ Tĩnh đến đèo Hải Vân thì bị chặn lại, qua Hải Vân đến Đà Nẵng đã chuyển dần sang giọng nói phương nam.
 
Hình hài nước ta hai đầu như hai bồ lúa, giữa như cái đòn gánh, vì vậy phương ngữ của miền bắc và miền nam có nhiều thứ giống nhau, khi vào đến miền trung nó bị bóp lại. Cụm từ có hai âm tiết, kiểu như “thế này” (miền bắc), “như vầy” (miền nam), ở Nghệ -Tĩnh chỉ còn “ri nì”; ngay cả chữ có một âm tiết thì ở miền trung cũng nói ngắn hơn miền bắc và nam. Thí dụ, “kia/kìa” (miền bắc và nam) thì miền trung nói ngắn hơn – “tê/tề”. Tất nhiên việc so sánh này chỉ là tương đối thôi, chứ không hẳn trường hợp nào cũng thế.
 
Cho đến hôm nay tôi cũng không hiểu tại sao, người Hà đông, người Sơn Tây rất gần với Hà Nội song lại có ngữ âm giống Nghệ Tĩnh. Đặc biệt, ở xã Minh Lãng của tình Thái Bình, có hai làng nọ chỉ cách nhau một con đường làng nhỏ, song làng phía bắc, nói như người miền bắc trung bộ, làng phía nam nói giọng bắc. Có lần tôi đã tìm hiểu, một cụ già bảo, đó là những dân theo ông Lê Lợi từ miền trung ra, sau khi thắng trận thì ở lại lập nghiệp trên vùng đất đó. Thôi thì biết vậy, chứ phải chờ các nhà ngôn ngữ học.
 
Có một điều rất lạ, qua một lần tôi đọc được, có những từ song âm thì người miền nam chỉ dùng âm thứ nhất, người miền bắc lại dùng âm thứ hai theo cùng một nghĩa. Thí dụ, từ “dơ bẩn”, “lời lãi”, “đau ốm”, “mai mối”… Ngược lại, có một số từ song âm khác thì người miền bắc “dành” âm trước, miền nam “dành” âm sau. Thí dụ,, “hát/ ca”, “quán/tiệm”, “đỗ/đậu”… Một số từ thì người miền nam lại dùng từ Hán Việt chứ không thuần Việt như người miền bắc. Thí dụ “chè/trà”, “bèo tây/lục bình”…
 
Về thổ ngữ, thì ôi thôi! Bạn đi đến đâu cũng cần có thời gian để hiểu được người địa phương đó nói gì. Tôi ở Quảng Trị đến 6 năm, nhưng trên một quãng đường vài chục cây số, ngồi cùng mấy anh người xã Vĩnh Mốc, huyện Vĩnh Linh tôi không thể hiểu hết câu chuyện họ nói với nhau, kiểu như “mô ri eng?” (đâu vậy anh?). Người Tiền Hải, Thái Bình mời nhau hút thuốc: “hút xí xơm mõm” (hút tí thơm miệng). Có một lần trong cuộc họp ở Phú Yên, tôi nghe một vị lãnh đạo tỉnh nói về các dự án “bơ ô tơ” (BOT), cũng phải mất mấy giây tôi mới hiểu ra cái thuật ngữ đó. Khi về đến miền tây nam bộ, bạn cũng đừng ngạc nhiên, dân ở đây chuyển vần “rờ” thành “gờ”, kiểu như “con cá gô bò trong gổ kêu gột gột”.
Viết đến đây tôi lại nhớ về thầy giáo năm lớp 6 của tôi. Thầy Hòe, đã đọc cho chúng tôi nghe hai câu thơ xứ Nghệ:
 
Rào rú ngái ngôi, dòm nỏ chộ
Mô rào mô rú, chộ mô mồ
 
Bạn nào không hiểu xin hỏi người xứ Nghệ ngồi bên nhé.
 
Nhưng, như các bạn đã thấy, dù là bắc, trung, nam hay người miền xuôi, miền ngược, khi đã hát (trừ những làn điệu dân ca) thì tất cả đều hát theo phát âm của người miền bắc. Thật là,
 
“… Cái nết ở ăn mỗi người một tính
Nhưng khi hát ta hòa cùng một nhịp…”
(Bài ca 5 anh em trên chiếc xe tăng của Dzoãn Nho)
 
Đối với những người đi biển, bao giờ người ta trao đổi thông tin với nhau rất ngắn gọn, bởi tiếng sóng, bởi cơn gió, bởi họ đã phải dùng quá nhiều sức lực để chèo thuyền và kéo lưới. Dân vùng biển Thái Bình không phát âm được những âm bắt đầu từ “tr”, thi dụ người ta kêu “con tâu tắng”, chứ không gọi là “con trâu trắng”, có vẻ dài dòng hơn.
 
Đừng trách người nước ngoài nói tiếng Việt vì tiếng nước ta phức tạp lắm. Chỉ mỗi chủ ngữ của một câu thôi đã phải dùng đến mấy từ, nào “tôi”, nào “tao”, nào “tớ”, nào “mình”, nào “qua”, nào “choa”…
 
Viết đến đây thì hết vốn. Chấm hết!
 
Ngày 7/4/2021
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.