KHÔN CHẾT, DẠI CHẾT, BIẾT THÌ SỐNG

Ng. Bỉnh Khiêm
KHÔN CHẾT, DẠI CHẾT, BIẾT THÌ SỐNG
 
Ngay từ những ngày còn trẻ tôi đã được nghe câu phương ngôn này mà chẳng biết xuất xứ của nó. Nhưng khi đọc bài thơ “Cảnh nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì mới biết thế nào là dại, thế nào là khôn. Bài thơ ấy như sau:
 
“Một mai, một cuốc, một cần câu,
“Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
“Người khôn, người đến chốn lao xao.
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
“Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao,
“Rượu đến bóng cây ta hãy uống,
“Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.
 
Những ai đã từng đọc qua bài thơ này lại chẳng cho rằng cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là một con người thích nhàn tản. Cuộc sống của cụ thật đơn giản, chỉ cần có một cái mai, một cái cuốc và một cái cần câu. Để làm gì? Để tìm nơi vắng vẻ mà vui với những món ăn dân giã như măng trúc, như giá đỗ, rồi với thú vui lúc thì câu cá, lúc tắm hồ sen, chiều chiều uống vài chén rượu. Có lẽ ẩn ý của bài thơ không phải là tả cảnh mà là tâm sự.
 
Bài thơ là triết lý sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là một bậc thức giả hoặc tri thức. Chữ Nôm thì “tri” cũng là biết và “thức” cũng là biết (‘tri’ chứ không phải là ‘trí” các bạn nhé). “Tri tri vi tri tri, bất tri vi bất tri. Thị tri dã” (Luận ngữ). Nghĩa của câu này là “Biết thì bảo rằng biết, không biết thì bảo không biết. Ấy mới là biết vậy”! Cho nên có thể nói Nguyễn Bỉnh Khiêm là một người rất biết và rất hiểu cuộc đời. Ông không tỏ ra là một người “khôn” song cũng không thể nói ông là một người “dại”.
 
Ông tìm đến một nơi có cuộc sống thanh bình (tìm nơi vắng vẻ), chứ không tìm đến những nơi có tranh giành (chốn lao xao). Mùa xuân trăm hoa đua nở, ấy là lúc ông ngồi ngắm hoa. Mùa hạ ngồi dưới bóng bụi tre bên bờ ao chính là để giải cơn nồng mùa hạ. Ông uống rượu cũng phải đúng thời khắc, khi bóng cây đã ngả, tức là trời đã về chiều, chứ không phải “trà sớm tửu trưa”. Câu kết, cuộc sống thật vô thường, tất cả chỉ là một giấc chiêm bao. Có ai giữ được những gì mình thấy trong chiêm bao khỉ tỉnh ngủ? Cũng có khác gì đâu, khi kết thúc một đời người, thứ gì thuộc về ta khi còn tại thế đâu có mang theo được?
 
Đó chỉ là phiếm đàm của tôi về bài thơ “Cảnh nhàn” của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm mà thôi. Nhưng không hiểu sao tôi lại thấy cái vận nước mình giống Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tả trong bài thơ đến vậy.
 
Giữa các cuộc tranh giành ngôi bá chủ; giữa các cuộc tranh chấp bè phái ở quốc gia này, quốc gia khác để đến nỗi đất nước bị tàn phá, không ngày nào là không có những người xấu số, chết vì bom đạn. Đó chính là “chốn lao xao” mà nhiều kẻ “khôn” đã tìm đến, đã được mấy nước giàu có “ban ơn” cho. Dân tộc ta đành chịu tiếng “dại”, chẳng muốn gây hấn với ai, mong làm bạn với tất cả để có cuộc sống thanh bình. Như vậy là “biết” chứ không phải là “dại”.
 
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá”, một khi đã là những thức giả thì biết dùng nội lực. Hôm nay còn phải ăn măng, ăn giá (đỗ) nhưng chính là để ngày mai chúng ta sẽ có thể nói rằng, đã đến lúc “ăn ngon, mặc đẹp”.
 
Thời cơ là một nhân tố rất quan trong. Hành động đúng phương pháp, đúng thời điểm thì “nguy” biến thành “cơ” (hội). Như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chỉ ra, uống rượu cũng phải đúng lúc, đúng thời cơ, “rượu đến bóng cây ta hãy uống”. Ý muốn là một chuyện, còn hành động thì cũng phải đúng lúc, biết chớp được thời cơ thì mới thắng lợi.
 
Cuối cùng, Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên chúng ta, những gì không phải của ta tức thị ta không nên giành lấy, “Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”. Thứ gì tự mình làm ra mới là của mình, đừng đứng núi này trông núi nọ.
 
Gần đây tôi đọc một bài chính luận, trong đó có đoạn rất đáng chú ý, rằng trong tương lai, cả Mỹ và Trung quốc đều không phải bá chủ của thế giới. Mà là một nước khác, kiểu như Nhật hoặc Hàn quốc. Qua bài thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm tôi lại nghĩ khác. Nếu bạn đã đọc cuốn “Cường quốc trong tương lai” của Hamada Kazuyuki, thì biết đâu lại không phải là Việt Nam? Ai cấm chúng ta mơ phải không các bạn?./.
 
Hình trong bài: Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Ngày 18/8/2021
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.