NGƯỜI GÌA CHIÊM NGHIỆM (56)

Nghệ an _ Diễn Tháp Diễn Châu
NGƯỜI GÌA CHIÊM NGHIỆM (56)
 
Tôi có nghèo không? Chúng ta có nghèo không? Tất cả những người làm công ăn lương tất nhiên không thể như những đại gia nắm trong tay hàng trăm tỷ, ngàn tỷ. Vậy đa số chúng ta vẫn thuộc lớp người nghèo.
 
Song chúng ta nghèo là so với người giầu, không biết bạn thế nào chứ tôi cứ hay nhìn ngược về quá khứ để coi hôm nay mình có gì. Ngày xưa thế nào và ngày nay ra sao, có lẽ chúng ta cũng chẳng cần nói, mỗi người một hoàn cảnh.
 
Ngày Pháp còn cầm quyền ở Việt Nam có một tầng lớp tư sản và địa chủ và công chức ăn lương Pháp, Việt minh chủ trương làm cho “người cầy có ruộng”, vậy là có nhiều nhà giàu mất tài sản, rồi đến vụ “cải tạo công thương nghiệp”, “đề cao công hữu”, lại có thêm nhà giàu lại mất tài sản. Những người này thấy rằng cái chế độ mới làm cho mình nghèo đi, nên họ chẳng thích gì cái chế độ này, cho đến nay nhiều người còn ghét tuy chẳng nói ra. Lịch sử lại sang trang lần nữa, đất nước được thống nhất, những người trước đây làm giàu nhờ chế độ, nhờ viện trợ Mỹ và không thể không nói là nhờ cả buôn lậu, Cộng sản về làm mất cơ hội của họ, họ phải bỏ nước ra đi. Họ căm thù chế độ Cộng sản chẳng có gì lạ.
 
Nhưng lớp người giàu có nhờ vào những cơ hội đó chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong số dân của từng thời kỳ? Chắc chắn một điều, ở miền bắc trước cải cách ruộng đất, người nghèo chiếm tới chín mươi phần trăm, chín mươi phần trăm mù chữ. Ở miền nam cũng có thể chắc chắn một điều, dân ở nông thôn chẳng thế có cuộc sống khá giả như một số người ở thành thị.
Ta hãy nghe ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống của cái VNCH nói: “Chúng tôi là một quốc gia nông nghiệp, thế mà chúng tôi không xây dựng nổi một nhà máy phân bón. Trong khi đó, chúng tôi lại nhập cảng xe cộ, máy vô tuyến truyền hình và nước hoa. Nói tóm lại, trong khuôn khổ kinh tế – xã hội hiện thời của Việt Nam, viện trợ Hoa Kỳ dành cho Việt Nam chỉ có một nhóm ít người Việt Nam hưởng lợi, trong khi đó hầu hết những người khác đều vẫn chịu đựng sống trong tình trạng của nền kinh tế rất thấp kém và không có những căn bản nào khả dĩ làm nền tảng được cho sự phát triển kinh tế quốc gia” (Tuần san Phòng thương mại và công kỹ nghệ Sài Gòn, 10-10-1969).
 
Vâng, về vật chất thì chúng ta có thể còn nghèo, chúng ta mới gia nhập nước có mức thu nhập trung bình, dự trữ ngoại hối của quốc gia đến tháng 9/2019 mới đạt trên 70 tỷ USD, GDP mới đạt trên 200 tỷ USD, chẳng thể so với nước này nước khác.
 
Song có một điều, khi tôi nghe ai đó chê bai đất nước này, họ lại quên mất một yếu tố – xuất phát điểm của nền kinh tế của nước ta thế nào? Và thực sự chúng ta bắt tay tự chủ xây dựng từ năm nào? Chẳng phải là từ năm 1995, khi các nước bỏ bao vậy cấm vận kinh tế đối với nước ta sao? Mới có 25 năm xây dựng trong hòa bình. Nói trong hòa bình cũng chỉ là tương đối thôi vì, ngoài khơi kia có khi nào quân đội ta thôi cảnh giác?
 
Xét về phương diện vật chất, chúng ta còn nghèo. Nhưng cuộc sống đâu chỉ có “một vợ, hai con, nhà ba tấm, xe bốn bánh”? Nếu chỉ có thế, chúng ta cũng chỉ là một loài động vật không tình, không nghĩa, không tri thức… Mấy hôm nay, chúng ta đã thấy những “nhà nghèo” có nhà cao cửa rộng, nội thất sang trọng vẫn đẩy người thân của mình vào chỗ chết đó sao?
 
Hình trong bài: (1) Yên Thành thuộc Nghệ an, xưa là một vùng “trũng” rất nghèo; (2) Một ngôi nhà của người dân xã Diễn Tháp, Nghệ An.
 
Ngày 6/11/2019
Ph. T. Kh.
Nghệ an

Add a Comment

Your email address will not be published.