Sản xuất hoa lan – Giới thiệu
Bài này giới thiệu về tình hình sản xuất hoa lan tại Việt Nam và trên thế giới. Nó cũng cung cấp các kiến thức cơ bản về các nguyên vật liệu trồng lan cần thiết để xây dựng được một vườn trồng lan đạt yêu cầu kỹ thuật và phù hợp với điều kiện sản xuất hoa lan của từng địa phương.
Xem thêm:
- Phần 2 – Nguồn gốc, đặc điểm thực vật học.
- Phần 3 – Yêu cầu điều kiện sinh thái của lan và tiêu chuẩn định giá.
- Phần 4 – Nhà kính trồng lan, nhà che – Giới thiệu.
- Phần 5 – Cách làm giàn treo cho lan.
- Phần 6 – Lắp đặt hệ thống tiêu, tưới nước cho hoa lan.
- Phần 7 – Chọn chậu và làm giá thể trồng lan.
Bài 1: Giới thiệu cơ bản về hoa lan.
Mục tiêu:
+ Trình bày được đặc điểm thực vật học của cây hao lan;
+ Trình bày được đặc điểm sinh trưởng và điều kiện sinh thái của từng giống lan;
+ Xác định được các vùng trồng phù hợp với từng giống lan đang trồng phổ biến ở Việt Nam;
+ Nhận thức được tầm quan trọng của cây hoa lan trong việc phát triển kinh tế của vùng.
Nội dung:
1. Giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa kinh tế của hoa lan.
1.1. Giá trị thẩm mỹ của hoa lan.
– Được ví như nữ hoàng của các loài hoa, hoa lan từ lâu đã được những người chơi hoa dành cho một tình cảm và sự nâng niu khá trân trọng. Dường như hoa lan hội tụ khá nhiều phẩm chất của dòng hoa hết sức quý phái. Trong số rất nhiều các loài hoa đang được trồng ở Việt Nam hiện nay, hoa lan có nhiều dòng nổi tiếng và đẹp thuộc dạng bậc nhất. Ở Đà Lạt hiện có khoảng hơn 100 loài lan. Một đặc trưng dễ nhận ra của hoa lan của Đà Lạt đó chính là mùi hương thơm ngát mát dịu, ngọt ngào và nhiều màu sắc, bao gồm: màu đỏ, đỏ đậm, trắng, tím đốm, hồng, nâu, xanh hồng… Hoa lan còn nổi bật không chỉ bởi nhiều màu sắc, cánh dày, mùi hương thơm mà còn là sự đa dạng về chủng loại và cả thương hiệu đã được khẳng định của loài hoa quý tộc này. Khác với nhiều loài hoa đang được trồng ở Việt Nam, hoa lan đòi hỏi chăm sóc cầu kỳ và tỉ mỉ hơn.
– Với nét quyến rũ đầy tinh tế, hoa lan luôn được coi là biểu tượng của vẻ đẹp và sự quý phái. Trong vài năm gần đây, vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, ở nhiều gia đình của người dân Hà Nội đã lựa chọn hoa lan là thú chơi ưa thích.
Vẻ đẹp của các loài hoa lan.
1.2. Giá trị kinh tế của hoa lan.
Hoa phong lan được mệnh danh “Hoàng hậu của các loài hoa”, nó đang có giá trị kinh tế khá cao so với tất cả các loài hoa, hiện phong lan đang chiếm thị trường tiêu thụ mạnh trong nước và xuất khẩu. Một số giống hoa phong lan có giá trị kinh tế cao đang được trồng ở Việt Nam, gồm một số loài hoa phong lan như:
Lan Dendrobium, Mokara, lan Phalaenopsis, Lan Cattleyas, Vandaceuos, Lan Oncidium, Lan Cymbidium… rất thích hợp trong sản xuất hoa lan và kinh doanh hoa lan đem lại lợi ích kinh tế vô cùng to lớn cho các nhà vườn.
– Thành tựu kinh tế của Việt Nam đã thúc đẩy nhiều ngành kinh tế nông nghiệp phát triển trong đó có ngành hoa lan. Thực ra, ngành công nghiệp hoa lan cây cảnh Việt Nam từ những năm 1987 đã manh nha hình thành như sự ra đời của công ty Phong Lan, một số vườn lan tại Thanh Đa có phòng nhân giống lan bằng phương pháp cấy mô … nhưng vào thời điểm đó, đa số các vườn lan chủ yếu mang tính nghệ nhân, truyền thống thủ công nên chỉ cần nói đến sản xuất hoa lan mang tính chất công nghiệp là nhiều người đã vội vàng cho là không thể.
– Từ năm 2000 đến nay, theo thống kê của Sở NN và PTNT Thành phố Hồ Chí Minh, hàng tuần thành phố phải nhập khẩu trên 20.000 cành lan với giá nhập bình quân 4.000đ/cành thì mỗi năm ta phải bỏ ra trên 4 tỉ đồng để nhập hoa. Hiện nay, giá hoa lan trên thị trường Việt Nam giao động từ vào chục nghìn đến vài triệu một giò lan đẹp. Điều này cho thấy, xu hướng tiêu dùng của người Việt đã thay đổi: thay vì chỉ chú trọng đến các nhu cầu cơ bản như ăn, ở, đi lại như những năm 1980, ngày nay đại đa số thích thưởng thức các món ăn tinh thần nhiều hơn và hoa lan cây cảnh là những sản phẩm không thể thiếu trong những ngày lễ hội, lễ kỷ niệm trong văn hóa Việt Nam.
– Ở Việt Nam, có 2 loại lan chính đó là lan bản xứ và lan lai. Rừng Việt Nam có nhiều loài lan bản xứ đẹp, có trữ lượng cao, nhưng chưa được điều tra chính xác.
Các loại lan rừng Việt Nam phân bố từ đồng bằng đến cao nguyên và cả trên các cây bóng mát ở các thành phố.
– Trên thế giới một cây lan quý trị giá 400 đô la, một cành hoa lan cắt 20 đô la, một cây lan rừng khoảng 10 đô la.
2. Tình hình sản xuất hoa lan trênThế giới và Việt Nam.
2.1. Tình hình sản xuất hoa lan trên Thế giới.
2.1.1. Sản xuất hoa lan và tiêu thụ hoa lan ở Đài Loan.
Sự thành tựu của Đài Loan trong ngành công nghiệp hoa lan được đánh giá là sự nổi bật trên cơ sở phát huy ngành công nghiệp nuôi cấy mô và lai tạo hoa lan Hồ Điệp. Sản xuất hoa lan đã trở thành chiến lược trọng điểm của nền kinh tế nông nhiệp Đài Loan, đặc biệt là các nỗ lực tạo sự đa dạng cho xuất khẩu. Thị trường Mỹ chiếm 30% sản lượng xuất khẩu của hoa lan Đài Loan. Và cơ hội đã tăng lên mạnh mẽ vào năm 2004 khi APHIS phê chuẩn việc nhập khẩu hoa chậu. Thị trường xuất khẩu hoa lan của Đài Loan vẫn rất lớn tuy còn nhiều thách thức như sự cạnh tranh của Trung Quốc, thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ… Dù vậy, Đài Loan vẫn là quốc gia hàng đầu của ngành công nghiệp hoa lan.
2.1.2. Tình hình sản xuất hoa lan và tiêu thụ ở Nhật Bản.
– Nhật Bản được đánh giá là một trong những nhà sản xuất hoa lan, nhập khẩu và tiêu thụ hoa cắt cành đứng thứ ba trên thế giới sau Hà Lan và Mỹ.
– Từ cuối thập niên 80 đến 90 nhu cầu hoa cắt cành của Nhật Bản gia tăng đều đặn. Nhật Bản bắt đầu nhập khẩu hoa cắt cành từ những năm 1960s, đầu tiên là hoa cúc, kế đến là hoa lan được nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á như Thái lan.
Mức nhập khẩu hoa cắt cành của Nhật Bản gia tăng đều đặn hàng năm kể từ 1985 và lên đến đỉnh điểm vào năm 1995. Năm 1999, khối lượng nhập khẩu của Nhật nhảy vọt đến 28.216 tấn hoa tăng 13,6% so với năm trước mặc dù giá nhập khẩu giảm 21.700 triệu yên, thấp hơn 3,1% so với năm trước. Nguyên nhân là sự tăng lượng nhập khẩu hoa cúc từ Mã Lai, Hàn Quốc, và Đài loan, tăng nhập khẩu hoa hồng và Lili từ Hàn Quốc.
– Nhật Bản nhập khẩu hoa cắt cành từ 35 nước trên thế giới đứng đầu là Hà Lan và Thái Lan (chiếm 45%).
– Nhập khẩu của Nhật bản từ Thái Lan đầu tiên là Hoa Lan và hiện nay hoa lan đã trở nên loại hoa thông dụng ở Nhật, và người trồng hoa cạnh tranh nhau trên cở sở kỹ thuật trồng. Vì vậy hoa lan được nhập khẩu đều đặn với con số không đổi nhằm cung cấp cho nhu cầu trong nước.
2.1.3. Tình hình sản xuất hoa lan và tiêu thụ hoa lan ở Mỹ.
– Hoa lan đóng vai trò lớn nhất trong thương mại hoa, cây kiểng. Năm 1985 số lượng thương mại toàn cầu về các loài lan rừng và lai tạo vượt trên 3 triệu cây trong có khoảng 1,5 triệu lan rừng, nhỉnh hơn các loại lan trồng một ít. Hoa Kỳ nhập khẩu 690.000 cây và cũng có khỏang ½ là lan rừng. Mặc dù Hà Lan cung cấp ¼ lan cho thị trường Mỹ nhưng các nước khác như Thái Lan, Ấn Độ, Nhật, Brazil, Guatemala và Hondurat cũng là những nhà cung cấp quan trọng.
– Giá cả tùy thuộc vào xuất xứ của loại lan. Các loại lan từ Bornéo có thể lên đến 1.000$US tại thị trường Mỹ. Loài có lẽ đắt nhất trong các loại lan rừng là sanderinum của Mã Lai. Đó là loài lan hài giá lên đến 1.500$US. Giá cao ngất là các loài hoa đặc biệt hiếm. Các loại lan lạ, kỳ bí du nhập từ nước ngòai có giá cực cao đã khuyến khích các tay sưu tập đút lót, hối lộ để có được chúng và làm mất đi các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
– Một loại lan hiếm của Trung Quốc, mọc ở vùng đồi nhỏ đơn độc ở tình Yunnan Trung Quốc là một thí dụ. Loại lan này được phát hiện năm 1982 nhưng ta có thể mua được chúng ở California-Mỹ, Anh, Nhật và Đài Loan ngay năm sau đó, Đó là loài P. armeniacum.
2.1.4. Tình hình sản xuất hoa lan và tiêu thụ hoa lan ở các nước EU.
– Châu Âu chủ yếu nhập loại lan Dendrobium từ Đông Nam Á. Tuy nhiên, sau đó thị hiếu của người tiêu dùng đã thay đổi, họ thích loại Cymbidium của Hà Lan và hiện tượng này là nguyên nhân chính cho việc sụt giảm kim ngạch nhập khẩu cho đến năm 1999. Nói chung thị trường Châu Âu ưa chuộng các loại lan thích nghi được khí hậu ôn đới như Địa lan (Cymbidium), Hồ Điệp (Phalaenopsis) và Cattleya.
– Kim ngạch nhập khẩu hoa lan của EU đạt tới 2,1 triệu Euroe khoảng 3% kim ngạch nhập khẩu hoa cắt cành.
2.2. Tình hình sản xuất hoa lan ở Việt Nam.
Ở Việt Nam đã hình thành 3 vùng hoa lớn sau:
– Vùng hoa đồng bằng sông Hồng: với khí hậu 4 mùa và nhiều vùng khí hậu đặc thù nên rất thích hợp cho trồng nhiều loại hoa. Hoa được trồng ở hầu hết các tỉnh của vùng trong đó tập trong nhiều ở các thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… Hoa ở vùng này chủ yếu phục vụ tiêu thụ trong nước,và một số chủng loại nhỏ đã xuất khẩu sang Trung Quốc (hồng, cúc..). Hồng là loài hoa phổ biến nhất chiếm 35%, tiếp đến là hoa cúc (30%), hoa đồng tiền (10%), còn lại là các loài hoa khác (25%).
– Vùng hoa Đà Lạt: Đà Lạt có điều kiện khí hậu thời tiết rất phù hợp cho trồng các loại hoa, mặc dù diện tích không lớn nhưng đãy là nơi sản xuất các loại hoa cao cấp với chất lượng tốt: phong lan, địa lan, lấy, hồng, đồng tiền… Diện tích trồng các loài hoa tăng 1,74 lần so với kế hoạch đề ra trong giai đoạn 1996 – 2000, chỉ riêng năm 2000 đã thu hoạch được 25,5 triệu cành hoa.
– Vùng hoa đồng bằng sông Cửu Long: Đây là vùng có khí hậu ấm, nóng quanh năm nên thích hợp với các loài hoa nhiệt đới: hoa lan, đồng tiền… TP Hồ Chí Minh là nơi phát triển hoa lan nhiệt đới nhanh nhất trong cả nước, nhiều trang trại hoa lan đã được thành lập, kinh doanh và phát triển theo mô hình trang trại hoa lan tại Thái Lan.
– Sản xuất hoa lan cũng như kinh doanh hoa Lan ở Việt Nam vẫn còn là một vấn đề hết sức mới mẻ, tuy nhiên trong một số năm trở lại đây do sự phát triển của điều kiện xã hội cũng như sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của các ngành khoa học đặc biệt là công nghệ sinh học mà ngành sản xuất và kinh doanh hoa nói chung và hoa Lan nói riêng đang được đầu tư một cách thích đáng.
– Ở Miền Nam Việt Nam thích hợp với việc nuôi trồng lan. Từ những năm 1960 – 1970 do ảnh hưởng của ngành hoa lan, cây cảnh thế giới; nhiều giống lan đã được nhập nội vào Miền nam Việt Nam chủ yếu là đưa vào thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt, làm nền móng cho ngành nuôi trồng lan ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt phát triển mạnh.
– Từ năm 1980 Trung tâm sản xuất hoa Đà Lạt bắt đầu xuất khẩu các loại Địa lan thông qua công ty Vegeteco sang Liên xô, Tiếp Khắc với số lượng 336.000 cành (năm 1980-1986) địa điểm có tiềm năng về nuôi trồng và kinh doanh hoa lan là thành phố Hồ Chí Minh, công ty Artexport đã đặt nền móng cho ngành xuất khẩu hoa lan. Đầu năm 1976 công ty đã xuất khẩu hoa lan sang Hồng Kông với số lượng đáng kể. Để đáp ứng nhu cầu chơi lan Trung tâm Công nghệ sinh học thực nghiệm thuộc Phân Viện Khoa học Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô để nhân giống hoa lan, cây cảnh cho thành phố và các tỉnh lân cận với số lượng lớn, năm 1984: 1200 cây, năm 1986: 100.000 cây, năm 1987: 300.000 cây. Theo điều tra 74 hộ nuôi trồng trong thành phố, tổng thu nhập do bán hoa Lan của các hộ này là 39 triệu đồng năm 1990, chiếm 5,5% thu nhập bình quân của hộ. Mới đây thành phố Hồ Chí Minh dự kiến năm 2005 – 2006 thực hiện đầu tư 20ha nuôi trồng hoa Lan và 20ha trồng cây kiểng. Đà Lạt là nơi sản xuất các loại hoa tươi và Địa lan, theo thống kê của hội hoa lan xuất khẩu Đà Lạt thì riêng mặt hàng Địa lan từ năm 1987 – 1990 tiêu thụ nội địa bình quân 6000 cành/năm. Những năm gần đây vấn đề nuôi trồng và kinh doanh hoa lan đang được mở rộng, điển hình mới đây khu vực miền Trung Tây nguyên đã có những bước phát triển thành công về nuôi trồng và kinh doanh hoa lan, Tỉnh Phú Yên cung ứng 250.000 cây hoa lan cho một doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu.
Đây là lô hoa lan đầu tiên được Trung tâm giống và kỹ thuật cây trồng ở Sở Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên nhân giống thành công bằng kỹ thuật vô tính. Hiện nay Trung tâm đang áp dụng phương pháp nuôi cấy mô để sản xuất hàng loạt cây trồng khác, sắp tới tiếp tục xuất khẩu sang Canada, Đài Loan.
– Ở Miền Bắc ngành sản xuất hoa lan và kinh doanh hoa lan cũng bắt đầu phát triển trong những năm gần đây. Tại nhiều nơi đó đầu tư phòng nuôi cấy mô tế bào để sản xuất hoa lan giống cung cấp cho thị trường trong đó có hoa lan. Ví dụ, Hải Phòng xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu cụ thể: Sản xuất 300.000 cây giống hoa lan bằng công nghệ của Viện Sinh học Nông nghiệp – Trường Đại học Nông nghiệp 1 (xây dựng khu nông- lâm nghiệp công nghệ cao tại trung tâm phát triển lâm nghiệp Hải Phòng năm 2003.
– Một số nơi ở Việt Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội (có nhiệt độ trung bình 23,5oC tổng lượng mưa 1674 mm nhiệt độ tối cao 42,8 oC. Nhiệt độ trung bình lạnh nhất 13,7 oC, biên độ nhiệt độ ngày 6,1 oC) thích hợp phát triển các loài lan nhiệt đới, Sapa (nằm ở độ cao 1570 m nhiệt độ trung bình 15,2 oC lượng mưa 2833mm rải đều trong năm. Nhiệt độ thấp nhất 5,9 oC, cao nhất 29,8oC. Biên độ nhiệt độ ngày đêm trung bình 6,2 oC), Đà Lạt (nằm ở độ cao 1513 m, nhiệt độ trung bình 18,2 oC lượng mưa 1865 mm. Nhiệt độ cao nhất 31,5 oC, nhiệt độ trung bình thấp nhất 24,6 oC, biên độ ngày trung bình trong năm 8,9 oC) rất hấp dẫn cho phát triển các loài lan nhiệt đới.
– Công ty liên doanh Việt – Nhật Javeco cung cấp các giống hoa lan trong nước. Viện Sinh học Nông nghiệp thuộc Trường Đại học Nông nghiệp I – Hà Nội trong một số năm qua đã đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ trong việc nghiên cứu phát triển một số loài hoa lan có giá trị kinh tế cao, có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu miền Bắc nước ta báo hiệu một tương lai không xa nữa ngành sản xuất hoa lan Việt Nam sẽ có khả năng phát triển ngang tầm với các nước trên thế giới.
– Nói đến Đà Lạt, không thể không nhắc đến địa lan với hàng trăm loại cùng sinh sống và sinh trưởng với địa lan ngoại nhập. Từ Hoàng Phi Hạc, Thuỷ Tiên Trắng, Kim Điệp, Long Tu, Phi Long, Ý Thảo của núi rừng Đạ Huoai; Giả Hạc, Bầu Rượu, Bầu Tiên, Xích Thử, Hương Duyên, Nhất Điểm Hồng của Di Linh; Cẩm Báo, Bạch Nhạn, Hồ Điệp có rất nhiều ở huyện Đức Trọng; Hồng Hoàng, Hoàng Lan, Tóc Tiên, Tuyết Nhung, Dáng Thu của Đơn Dương, đến rất nhiều loài lan quý hiếm khác của châu Âu, châu Mỹ…
– Theo các nhà nghiên cứu, hiện tại Đà Lạt có khoảng 300 loài phong lan và trên 300 giống địa lan nội và ngoại nhập cùng khoe sắc tỏa hương. Trong đó Cymbidium còn gọi là địa lan là loại đa dạng hơn cả. Loài địa lan Cymbidium là loài thân thảo, đa nhiên, hàng năm đẻ nhánh để tạo thành những bụi nhỏ. Có loài rễ mọc bám trên vỏ cây, mặt đất (bì sinh hay phụ sinh), có loài rễ trong bọng cây, trong đất mùn. Các loài địa lan thuộc họ Cymbidium như: Lan Lô Hội, Thanh Lan, Xích Ngọc, Gấm Ngũ Hồ, Bạch Lan, Mặc Lan, Bạch Hồng, Hoàng Lan, Tử Cán…
– Địa lan Đà Lạt rất phong phú về chủng loại, đa dạng về cấu trúc và màu sắc. Những loài lan quý được bà con dân tộc thiểu số khai thác và thu thập rất nhiều từ những khu rừng nguyên sinh. Từ những năm 1990, Liên hiệp khoa học sản xuất hoa lan Đà Lạt đã thực hiện một số phương pháp ghép lai giữa các loài lan, gieo hạt lan trong ống nghiệm để duy trì nguồn lan tự nhiên của địa phương. Bên cạnh còn có một giống lan mà duy nhất chỉ có ở Đà Lạt đó là giống lan Cymbidium Insigne var Dalatensis (hồng lan), đây là loài địa lan vô cùng độc đáo, màu sắc hoàn toàn khác biệt với những giống lan đã biết, các nhà khoa học đang cho nhân giống, và trồng rộng rãi.
– Hàng năm, lan Đà Lạt không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước một khối lượng lan cắt cành vô cùng lớn mà còn “xuất ngoại” sang các nước phương Tây và châu Á. Cứ mỗi dịp xuân về là các du khách khắp nơi lại được chiêm ngưỡng hàng ngàn “nữ hoàng” hoa lan kiều diễm tại thành phố hoa ở hội hoa xuân. Hơn 400 huy chương Vàng, Bạc, Đồng đã được trao tặng cho các nghệ nhân hoa lan của Đà Lạt.
– Tại thành phố Đà Nẵng, phong trào chơi và sử dụng các loại hoa Lan từ cao cấp đến bình dân cũng ngày càng tăng và ở mọi tầng lớp nhân dân. Số lượng các nhà vườn chuyển qua ươm trồng hoa lan và các shop bán hoa lan ở Đà Nẵng ngày càng nhiều. Tình hình ươm trồng, kinh doanh và nhu cầu chơi hoa lan ở thành phố như sau.
– Hiện tại ở Đà Nẵng có 03 loại hình chủ yếu trồng, kinh doanh và chơi các loại hoa lan:
Tại các vườn kinh doanh cây cảnh: Phong lan ở các vườn cây cảnh rất ít, chủ yếu được trưng bày để phục vụ tính đa dạng về mặt hàng cho việc kinh doanh. Nguồn cung cấp lan cho các vườn đa số từ các đại lý ở TP.HCM, Đà Lạt hoặc từ các vườn Lan qui mô nhỏ của những người chơi lan tại Đà Nẵng.
Các nhà chơi Lan: Đây là mô hình phổ biến nhất ở Đà Nẵng hiện nay, giới mê hoa lan ở thành phố thuộc nhiều thành phần dân cư. Người chơi hoa lan chủ yếu phục vụ cho thú vui, một phần nhỏ bán nhằm thu vốn, tặng và trao đổi với bạn chơi về “sản phẩm” của mình hoặc tham gia các giải thi về hoa.
Các shop bán hoa Lan: Các shop hoa chuyên bán thuốc, dụng cụ nuôi trồng lan, cây con và cây đã có hoa trên đường Hải Phòng. Nguồn cây con tại shop này chủ yếu mua từ TPHCM, nguồn cây lan đã có hoa thường được lấy từ vườn nhà và những bạn chơi lan tại Đà Nẵng gởi bán.
Tóm lại, đối với hoa lan, tại thành phố Đà Nẵng, hầu như chưa có cơ sở/vườn nào chuyên sản xuất hoa lan giống có quy mô. Phần lớn các loại lan từ cây con cho đến các loại lan cắt cành và các lẳng lan đã ra hoa được kinh doanh tại các nhà vườn, shop hoa,… đều được thu mua từ Đà Lạt và TPHCM. Các nhà chơi Lan ở Đà Nẵng cũng đã nhân giống, trồng và giữ giống thì cũng làm theo phương pháp nhân giống thông thường như chiết cành, tách, ghép,… Vì vậy, chúng tôi cho rằng, để đáp ứng nhu cầu chơi hoa lan ngày càng tăng cũng như phục vụ ngành du lịch phát triển ở Đà Nẵng, cần thiết phải đầu tư để công nghiệp hóa ngành sản xuất hoa lan, từ khâu nhân cây giống thông qua phương pháp nuôi cấy mô tế bào, cho đến việc điều chỉnh các chế độ tối ưu chăm sóc cây phát triển và ra hoa trong nhà lưới, nhằm cung cấp cho thị trường Đà Nẵng nguồn cây giống có chất lượng không kém hoa nhập ngoại cũng như những chậu hoa đẹp và có thể tiến tiếp tới việc sản xuất hoa lan và kinh doanh hoa lan cắt cành.